TSMC sẽ sản xuất những con chip hiện đại nhất tại Mỹ sau khi được chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tài trợ tối đa 11,ẽsảnxuấtchipnmtốitântạiMỹlịch ngày âm6 tỷ USD. TSMC cho biết sẽ xây thêm nhà máy thứ ba tại Arizona bên cạnh hai nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng. Nhà máy đầu tiên của hãng ở đây dự kiến hoạt động từ năm 2025 và sản xuất chip 4nm. Nhà máy thứ hai dự định sản xuất chip 3nm và 2nm vào năm 2028.
Xưởng đúc chip lớn nhất thế giới sẽ nhận được nhiều nhất 6,6 tỷ USD nguồn vốn trực tiếp từ chính phủ Mỹ và có thể vay thêm 5 tỷ USD. Đây là khoản tài trợ tài chính lớn nhất của chính phủ Mỹ dành cho một nhà sản xuất chip nước ngoài cho đến nay. Sau thỏa thuận mới nhất, TSMC đồng ý nâng tổng mức vốn đầu tư vào Mỹ hơn 60% lên hơn 65 tỷ USD từ 40 tỷ USD trước đó.
Khoản tài trợ này gắn liền với Đạo luật CHIPS 2022 nhằm tái thiết lập ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn tại đất nước sau hàng thập kỷ đi sau châu Á. Intel được cam kết hỗ trợ gần 20 tỷ USD trợ cấp và khoản vay để về lại thời kỳ huy hoàng. Hãng chip Mỹ dự định xây các nhà máy ở Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon.
Lael Brainard, cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Biden, gọi cam kết sản xuất chất bán dẫn tối tân trên đất Mỹ của TSMC là "một chương mới cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ".
TSMC là một trong những công ty chủ chốt trong ngành công nghiệp chip, điều hành các nhà máy sản xuất chip (fab) máy tính tiên tiến nhất cho các công ty khác tập trung vào thiết kế (fabless). Chẳng hạn, iPhone dùng chip 3nm do Apple thiết kế và TSMC sản xuất, còn Nvidia cũng dựa vào TSMC để chế tạo những con chip có độ phức tạp cao dùng để đào tạo các hệ thống AI.
Kích thước nanomet (nm) càng nhỏ, chip càng tiên tiến và mạnh mẽ. Chỉ có TSMC, Intel và Samsung có thể tiếp tục đẩy giới hạn phát triển chất bán dẫn, cả ba đang chạy đua để đưa chip 2nm vào sản xuất trước cuối năm 2025. Hiện tại, TSMC đang sản xuất chip tiên tiến nhất tại Đài Loan (Trung Quốc).
Mô hình fabless cho phép nhiều công ty tiếp cận các nhà máy sản xuất hiện đại mà không cần đầu tư hàng tỷ USD để xây các phòng sạch và mua máy in thạch bản. Tuy nhiên, sự thống trị của TSMC đồng nghĩa một phần lớn của kinh tế thế giới phụ thuộc vào các sản phẩm từ Đài Loan.
Theo Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo, khoản đầu tư mới của TSMC có thể tạo ra ít nhất 6.000 việc làm công nghệ cao trực tiếp và hơn 20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, cũng như hàng chục nghìn việc làm gián tiếp. Nó hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Arizona.
Bà Raimondo cho biết 14 nhà cung cấp đang có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Arizona hoặc các nơi khác ở Mỹ để hỗ trợ các nhà máy TSMC. 70% khách hàng của TSMC là các công ty Mỹ và thể hiện rõ mong muốn mua chip do Mỹ sản xuất.
Nỗ lực xây dựng nhà máy chip đầu tiên của TSMC tại Mỹ không diễn ra suôn sẻ. Họ đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt lao động, chờ đợi giấy phép kéo dài khiến thời gian dự kiến sản xuất phải lùi thêm một năm.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, nhiều nhân viên TSMC sẽ bay từ Đài Loan (Trung Quốc) đến để giám sát việc xây dựng nhà máy. Đây là yếu tố thực sự quan trọng nếu xét đến thực tế, kể từ lần cuối Mỹ xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến, TSMC đã có 22 nhà máy ở Đài Loan.
Bộ trưởng Raimondo tiết lộ sẽ có nhiều thông báo trợ cấp hơn trong những tuần tới. Hai hãng bán dẫn Hàn Quốc Samsung và SK Hynix cũng đã công bố đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ và dự kiến sẽ nhận được tài trợ từ Washington.
Tại Nhật Bản, TSMC được cam kết trợ cấp 1,2 nghìn tỷ yen (7,9 tỷ USD) cho hai nhà máy ở Kumamoto, còn Samsung và Micron đã nhận được hỗ trợ tài chính tương đương hơn 40% khoản đầu tư của họ.
(Theo The Guardian, Nikkei)