|
Khánh Linh đang học lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) |
Ngay từ khi còn học lớp 4, lớp 5, Khánh Linh đã được mẹ cho làm quen với máy tính và bắt đầu học online. Chị Vũ Thị Thu Vân - mẹ Khánh Linh là một người có tư duy cởi mở và rất nhạy bén với công nghệ.
Chị khuyến khích và mua cho con những khóa học online mà theo chị cho biết ‘thời ấy chưa ai làm như thế’.
Cứ như vậy, học online gắn bó với Linh cho đến bây giờ khi cô bé đã là nữ sinh lớp 11. Chị Vân nói, ‘tôi mua cho cháu các khóa từ trung bình tới nâng cao. Tôi hỏi con học có hiểu không thì cháu nói các thầy cô dạy online giảng bài nhiều khi còn dễ hiểu hơn trên lớp. Bởi vì học online dành cho nhiều đối tượng, nên các thầy cô giảng rất kỹ. Đến mình nghe cũng còn hiểu được’.
Tiếp xúc nhiều với công nghệ, Linh dần nhận ra mình đam mê và mơ ước trở thành một lập trình viên. Chị Vân lại cùng con tìm hiểu các trường đại học trực tuyến.
Khi Linh chuẩn bị thi vào lớp 10, chị giao hẹn nếu con thi đỗ trường chuyên thì sẽ cho con học đồng thời chương trình trực tuyến của ĐH Funix. Kết quả, Linh đỗ vào lớp chuyên Tin của Trường THPT Chuyên Hạ Long và đúng như đã hứa, chị cho con gái học chương trình Kỹ sư phần mềm cùng lúc với học phổ thông ở trường.
Ban đầu, 2 mẹ con lên kế hoạch sẽ hoàn thành chương trình học trực tuyến vào năm lớp 12. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, thấy thời điểm lớp 12 cần tập trung cho việc ôn thi nên Linh phải tăng tốc để có thể kết thúc chương trình vào cuối năm lớp 11.
Cũng nhờ thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh mà tốc độ học của Linh càng vượt kế hoạch. Đến thời điểm này, em cho biết đã học xong 7/8 học kỳ của chương trình cử nhân. Học kỳ cuối cùng là làm luận án và Linh dự định sẽ hoàn thành trong khoảng 2 tháng.
Thông thường, sinh viên sẽ mất 6 tháng để hoàn thành một học kỳ. Với đối tượng học sinh, thời hạn được kéo dài 12 tháng/ học kỳ. Tuy nhiên, nữ sinh lớp 11 đã hoàn thánh 7 học kỳ trong vòng chưa đầy 2 năm.
Là một trong những sinh viên nhỏ tuổi nhất, Linh liên tiếp giành học bổng học nhanh với mức cao nhất là 20% học phí.
|
Kinh nghiệm học trực tuyến từ cấp 1 giúp Linh dễ dàng hơn với chương trình học trực tuyến ở đại học |
Linh chia sẻ, để sắp xếp được thời gian cho cả học phổ thông và học trực tuyến, em gần như phải hoàn thành hết bài vở trên lớp vào các giờ giải lao hoặc thêm một chút thời gian buổi chiều. Thời gian còn lại em dành hết cho học trực tuyến. ‘Thời gian nghỉ dịch này, em học mỗi buổi (sáng, chiều, tối) 3 tiếng - tức là 9 tiếng/ ngày cho học trực tuyến’.
Nhìn vào thời gian học của Khánh Linh, nhiều người sẽ nghĩ cô bé là ‘mọt sách’. Nhưng ngược lại, Linh mê game và là một tay game thủ có hạng. ‘Em chơi trò Liên minh huyền thoại. Mỗi ngày, em chơi 2 ván game vào buổi chiều và buổi tối, mỗi ván khoảng 30-45 phút’. Linh nói, chơi game là cách để em giải trí cho bớt căng thẳng với chuyện học hành.
Chia sẻ về việc khuyến khích con học trực tuyến, chị Vân nói: ‘Trước hết, con phải thích. Mình không thể ép được. Nhưng ngược lại, có nhiều phụ huynh sợ con tiếp xúc nhiều với máy tính, học thì ít chơi thì nhiều nên không cho con dùng máy tính hay sử dụng Internet’.
‘Tôi nghĩ thời đại này mà các con không được sử dụng Internet là một sự thiệt thòi. Trên mạng có quá nhiều kiến thức hay, bổ ích, chưa kể con còn được gặp các thầy, các bạn giỏi mà con có thể học hỏi từ đó. Các cơ hội, mối quan hệ xã hội cũng mở ra với con nhiều hơn’.
Tuy nhiên, để các con không bị Internet ‘cám dỗ’, theo chị Vân, phụ huynh phải là người đồng hành cùng con từng bước.
‘Tôi không lo chuyện cho cháu sử dụng máy tính và Internet từ sớm là vì tôi có thể nắm được hết các mối quan hệ bạn bè của con, cũng như thường xuyên theo dõi sát sao việc học tập của con. Thậm chí, trong những năm đầu tiên con học online, tôi còn học cùng con. Chỉ đến những năm cuối cấp 2, tôi mới thôi học cùng con vì kiến thức càng lúc càng khó hơn’ - chị chia sẻ.
Chị Vân cho rằng để các con sử dụng mạng xã hội và Internet an toàn thì vai trò giám sát của bố mẹ là rất quan trọng. Bà mẹ người Quảng Ninh cũng kể rằng con gái rất thích chơi game và chị cho phép con chơi. ‘Nhưng phải giới hạn thời gian, chứ không chơi tràn lan ngày này sang ngày khác’.
Kế hoạch hiện tại của 2 mẹ con chị Vân sau khi Linh tốt nghiệp phổ thông là cho Linh đi làm ngay để lấy kinh nghiệm thực tiễn. ‘Dù có học tốt đến mấy thì cũng chỉ là lý thuyết. Hai mẹ con tôi đều thống nhất là tốt nghiệp phổ thông xong sẽ đi làm. Rồi sau này khi có cơ hội, con sẽ thực hiện ước mơ được đi du học của mình sau’.
Hiện tại, nhờ đạt thành tích xuất sắc cho chương trình học trực tuyến mà Linh đã nhận được lời mời của Chủ tịch Tập đoàn FPT về làm việc cho công ty sau khi tốt nghiệp. Linh cho biết, em rất vui vì đã nhận được cơ hội hiếm có này. Em cho biết sẽ suy nghĩ một cách nghiêm túc về lời mời hấp dẫn này trong thời gian tới.
Người mẹ Đắk Lắk đóng giả con gái nhắn tin với gã lừa đảo
Học giọng văn, cách nhắn tin, sử dụng ngôn ngữ của con gái, chị Mai lấy nick con nhắn tin với kẻ dụ dỗ con gái bỏ nhà ra Hà Nội 'làm việc nhẹ lương cao'.
Nửa đêm, cậu bé 15 tuổi nức nở trên điện thoại kêu cứu
Đó là một cậu bé 15 tuổi. Em gọi điện đến trong tình trạng gia đình vô cùng rối ren.
" alt=""/>Học trực tuyến từ lớp 4, cô gái Quảng Ninh nhận bằng cử nhân năm 17 tuổi