Đó là câu hỏi của thiền sinh dành cho sư quản chúng khi chúng tôi được chiêm bái xá lợi.Tháng trước, tôi xuất gia gieo duyên 10 ngày tại một ngôi chùa ở TP HCM. An là thiền sinh đã hỏi sư quản chúng về xá lợi. Tôi và An ở cùng phòng trong thiền xá. An làm việc tại một đài truyền hình, đi nhiều nước châu Á, thấy rất nhiều nơi thờ xá lợi Phật nên mới thắc mắc hỏi sư quản chúng.
Sư quản chúng cho biết xá lợi tại chùa, đa phần là xá lợi của các cao tăng được các tăng đoàn từ Myanmar, Thái Lan, Srilanka cung tiến nhiều năm về trước; còn có phải là xá lợi của đức Phật hay không thì các sư cũng không dám chắc. Giống như cội bồ đề hay kim thân Phật, xá lợi Phật cũng chỉ là hình tượng để phật tử nhớ đến đức Phật. Điều quan trọng nhất với phật tử là thực hành lời dạy của đức Phật trong đời sống hàng ngày hơn là việc nương vào các hình tướng của Ngài.
5 năm trước, tôi bị bệnh nặng chữa không khỏi. Tôi đi nhiều đền chùa ở miền Bắc để lễ vái Phật, thánh nhưng sức khỏe càng yếu hơn, có lúc chỉ còn nằm thở chờ cái chết. Rồi tôi được người bạn khuyên đọc "Đường xưa mây trắng" của sư ông Thích Nhất Hạnh. Khi bắt đầu hiểu đúng về đạo Phật, tôi sửa đổi hành vi, suy nghĩ của bản thân, sức khỏe và tinh thần dần chuyển biến tốt hơn. Tôi mới thấm thía lời người bạn chia sẻ trước đây: Thà không biết đến đạo Phật còn tốt hơn là biết đến đạo Phật mà hiểu sai về Phật.
Cách đây hai tuần, một phật tử làm công quả ở chùa gọi điện thoại cho tôi. Anh cho biết vừa mới về quê gấp. Bố anh phát hiện bị ung thư nên đã cầm cố sổ đỏ của gia đình, tiếp tục vay mượn tiền nhiều người đưa cho "cô đồng" làm lễ, bùa chú để trị bệnh. Gia đình khuyên can không được nên anh nhờ tôi hướng dẫn viết đơn gửi chính quyền can thiệp, xử lý.
Ai có người thân dính đến mê tín sẽ hiểu rõ hậu họa của nó.
Sự việc trên, nếu "cô đồng" thỏa mãn dấu hiệu tội phạm thì có thể bị khởi tố về tội Hành nghề mê tín, dị đoanhoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng những vụ việc liên quan đến yếu tố tín ngưỡng trên thực tế bị xử lý không nhiều, đặc biệt là hành vi hành nghề mê tín, dị đoan. Tôi vào website Công bố bản án của Tòa án Nhân dân tối cao để thống kê số vụ án "Hành nghề mê tín, dị đoan" ở 15 địa phương phía Bắc từ năm 2020 đến nay nhưng kết quả vụ án được xét xử rất hạn chế, nhiều địa phương không thấy xét xử vụ nào. Nguyên nhân chủ yếu không phải do các cơ quan tố tụng mà do chưa nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương.
Pháp luật hiện hành quy định, trong trường hợp phát hiện hành vi mê tín như lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú để trục lợi thì chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt hành chính. Trong thời hạn một năm nếu người bị xử phạt tiếp tục vi phạm thì chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự, và người vi phạm có thể bị phạt tù đến ba năm theo Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Quy định về cấu thành tội phạm "Hành nghề mê tín, dị đoan" tại Điều 320 khá đơn giản, mục đích để phòng ngừa là chính. Nhưng việc xử lý hình sự các hành vi liên quan đến mê tín, dị đoan chưa nhiều nên hiệu quả phòng ngừa không đạt được, trong khi tệ nạn ngày càng biến tướng và diễn biến phức tạp.
Khóa xuất gia gieo duyên của tôi có người từ Mỹ về để tham gia, có người làm nhà nước, có người làm doanh nhân, có cả người theo đạo Thiên Chúa. Mười ngày ở chùa chúng tôi tập tính kham nhẫn, lòng tri ân, học thiểu dục, quán thân - tâm trong các hành động để khi trở về cuộc sống bớt phạm sai lầm.
Buổi đầu về cơ quan làm việc, trưởng phòng hỏi tôi sao lại nghỉ phép để xuất gia gieo duyên? Tôi trả lời do mình chưa tốt nên cần đến chùa học, để trong đời sống, công việc sau này: "làm, nghĩ, nói bớt lầm". Anh cười rồi đọc bài kệ Cư trần lạc đạocủa ngài Trần Nhân Tông:
Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên
Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa
Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền.
Đạo Phật vốn gần gũi, gắn liền với đời sống hàng ngày nhưng là phật tử thuần thành thì không dễ.
Bùi Võ
" alt="Xá lợi Đức Phật"/>