Thời gian gần đây, rất nhiều nổi tiếng, như ca sĩ, diễn viên, người mẫu..., quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc Đông y,... trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tik Tok. Với thù lao cao, việc quảng bá đơn giản, gọn nhẹ nên nhiều nghệ sĩ đã nhận quảng bá mỹ phẩm, thuốc giảm cân, chữa bệnh ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Sức ảnh hưởng của nhiều nghệ sĩ lớn nên các sản phẩm được giới thiệu và quảng bá rộng rãi và tác động không nhỏ đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, nhưng chính các thông tin mập mờ, sản phẩm chất lượng kém gây ra nhiều bức xúc và liên tiếp bị phản ánh trong thời gian qua.
|
Quyền Linh phải xin lỗi khán giả sau khi giới thiệu sản phẩm thiếu tiết chế. |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM để trao đổi về vấn đề này
Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng không đúng tác dụng hoặc gây phản ứng đối với người tiêu dùng sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?
- Nếu nghệ sĩ đã ký kết hợp đồng quảng cáo nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, người sử dụng không có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng thì những người truyền tải sản phẩm quảng cáo sẽ chịu trách nhiệm tương ứng với tính chất hành vi và hậu quả mà người sử dụng sản phẩm bị ảnh hưởng.
Nếu người tiêu dùng khởi kiện yêu cầu bồi thường các thiệt hại về mặt dân sự, sức khoẻ những người nghệ sĩ vẫn liên đới phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp những người quảng cáo tự lấy danh xưng, tên tuổi không liên quan đến người nghệ sĩ (người nghệ sĩ chưa đồng ý) nếu xảy ra các thiệt hại khác thì người nghệ sĩ không phải liên đới hay chịu trách nhiệm.
Nhiều khán giả phản ánh một nghệ sĩ quảng cáo cho rất nhiều sản phẩm, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác nhưng không sử dụng sản phẩm. Họ sẽ bị xử lý như thế nào nếu những sản phẩm ấy không mang lại kết quả như quảng cáo?
Pháp luật xử lý không phân biệt nghề nghiệp. Ở góc độ công chúng nghệ sĩ được công chúng yêu mến, tin tưởng có lượng người theo dõi nhất định. Nghệ sĩ quảng cáo không đúng công dụng của thực phẩm chức năng, làm cho nhiều người ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khoẻ, sắc đẹp dưới hình thức livestream, phát trên Youtube vẫn liên đới, chịu trách nhiệm trước thiệt hại của người tiêu dùng khi họ yêu cầu khởi kiện hoặc đưa ra cơ quan chức năng xử lý.
Các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm vẫn liên đới chịu trách nhiệm, nếu người chủ sản phẩm bị xử lý hình sự, người nghệ sĩ vẫn liên đới cả về mặt hành chính, dân sự, thậm chí hình sự. Thực tế, hầu như các nghệ sĩ không sử dụng sản phẩm đó mà chỉ là người ký hợp đồng quảng cáo với chủ sản phẩm để nói những lời quảng cáo theo yêu cầu.
Khán giả chỉ mặt, điểm tên nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng hiệu quả không như mong muốn hoặc tác động xấu đến sức khoẻ, có phải các nghệ sĩ đang thiếu trách nhiệm, ý thức đối với việc quảng cáo?
Tôi cho rằng nhiều người nghệ sĩ này chủ yếu nghĩ đến lợi ích của bản thân, nhận thức sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật nhưng vì lợi ích quá lớn nên sẵn sàng mà bất chấp.
Qua vấn đề này, tôi thấy các nghệ sĩ ngoài tuân thủ các quy định pháp luật trongLuật Quảng cáo,pháp luật cần hoàn thiện hơn những chế tài đối với những người nghệ sĩ trong trường hợp này. Những người nghệ sĩ nên rút bài học kinh nghiệm về chuẩn mực đạo đức, người của công chúng phải hướng đến công chúng, hướng đến xã hội, không nên đặt lợi ích của mình lên tất cả mà bất chấp tác hại của sản phẩm đó gây ảnh hưởng đến người hâm mộ đặc biệt là người hâm mộ “ruột”.
Việc này xảy ra từ lâu nhưng gần đây người dân đã biết quan tâm, lên án những hành vi này. Đây là sự văn minh có mặt tích cực để ngăn ngừa những người nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm tràn lan trên livestream, Youtube, Facebook như hiện nay.
Không phải các sản phẩm, thực phẩm chức năng đều có tác dụng không tốt, anh thể tư vấn quy trình hợp lý khi nghệ sĩ tiếp cận các lời đề nghị quảng cáo cho đến khi thực hiện mà không xảy ra rủi ro liên quan?
Tôi cho rằng thực phẩm chức năng không phải là một loại thuốc và thực tế câu nói này đã xuất hiện trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên, qua các lời nói của những người nghệ sĩ sản phẩm này sẽ chữa hết bệnh, đây là việc gây nên hiểu lầm cho khách hàng.
Do vậy để tránh trường hợp này khi ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm nghệ sĩ phải hiểu rõ về mặt pháp lý, Luật Quảng cáo, truyền tải sản phẩm quảng cáo đúng sự thật theo quy định pháp luật, không nói quá, nói sai về sản phẩm.
Khi nghệ sĩ làm việc với chủ sở hữu sản phẩm, nghệ sĩ phải hiểu mình truyền tải những gì đúng pháp luật đồng thời người nghệ sĩ thấy trách nhiệm trong hợp đồng quảng cáo đó và đưa ra giới hạn câu, từ không phải hoàn toàn nói theo câu, từ người quảng cáo. Khi ký hợp đồng hợp đồng quảng cáo, các nghệ sĩ nên liên hệ với cơ quan, cá nhân am hiểu về pháp lý để được tư vấn về trách nhiệm, lời nói, hành động khi truyền tải sản phẩm quảng cáo này.
Anh nghĩ sao về việc nghệ sĩ phải thử hay có thời gian sử dụng mới nên quảng cáo sản phẩm?
Tôi cho rằng nếu người nghệ sĩ chưa sử dụng sản phẩm quảng cáo, chưa biết được kết quả, hiệu quả không nên nói và không nên sử dụng câu từ như bản thân đã sử dụng sản phẩm đó hoặc như bản thân mắc những căn bệnh đó gây hiểu lầm cho công chúng.
Thực tế, những nghệ sĩ hầu như chưa sử dụng, thậm chí không mắc căn bệnh đó nhưng vẫn quảng cáo sai sự thật, nói những điều không đúng về sản phẩm. Quảng cáo phải nói đúng sự thật sản phẩm chẳng hạn như công dụng, hiệu quả như thế nào, không nên nói “mình đã sử dụng sản phẩm bao lâu và hiện nay đã hết”.
Đa số các nghệ sĩ hiện nay tôi thấy hầu như nói về thời gian mình sử dụng các sản phẩm đó và khẳng định đã chữa trị hết. Nếu nghệ sĩ không sử dụng thì không được khẳng định như vậy vì đã vi phạm Luật Quảng cáo.
Diệp Toàn - M.T
Quyền Linh: 'Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sau 20 năm của tôi'
Nam nghệ sĩ thừa nhận đã thiếu tiết chế khi giới thiệu về công dụng một loại thực phẩm chức năng.
">