Mách nước thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 để giành 8 điểm môn toán
作者:Thời sự 来源:Công nghệ 浏览: 【大 中 小】 发布时间:2025-01-24 01:42:39 评论数:
Chỉ còn chưa tới 24h nữa, hơn 1 triệu thí sinh cả nước chính thức bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với hai môn quan trọng ngữ văn và toán.
Nhắn nhủ thí sinh để giành điểm cao môn toán, ThS Nguyễn Quang Thi, giáo viên toán Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) căn dặn, trong giai đoạn "nước rút", thí sinh đừng vùi đầu vào giải đề vì càng giải đề các em lại thấy vấn đề mới xuất hiện dẫn đến hoang mang.
Lời khuyên của ông là các sĩ tử cần tĩnh tâm, xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán.
Ông Thi chỉ ra rằng, trong đề thi, có những câu chỉ làm một vài giây, có câu mất vài phút, câu vận dụng cao đôi khi cần dành 10-15 phút chưa có đáp án nhưng điểm số mỗi câu đều như nhau. Do đó, học sinh không nên để mất điểm ở những câu hỏi nhận biết và thông hiểu.
Khi làm bài, các em cần chọn câu dễ làm trước. Những câu khó sẽ đọc đề thật kỹ, sau đó, vạch những hướng đi và chọn cách làm thích hợp.
"Những câu khó phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp hay làm xong bài sớm hơn mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Khi hoàn thành, các em hãy đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối", ông Thi căn dặn.
Về mặt tâm lý, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc nhận định, những học sinh đã trúng tuyển vào các trường đại học qua phương thức xét tuyển sớm hoặc không tiếp tục học lên cao sẽ có tâm lý thoải mái.
Những thí sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét vào các trường top đầu có thể gặp áp lực rất lớn. Muốn có kết quả cao, yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Các em cần bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần thoải mái.
Khi đi thi, thí sinh cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ và đến phòng thi sớm hơn ít nhất 15 phút so với giờ quy định có mặt tại điểm thi. Khi nhận đề thi, cần đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu.
"Nếu hồi hộp, các em hãy hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ. Cách khác là nắm chặt hai tay vào nhau để trấn tĩnh trở lại", ThS Thi khuyên.
Còn thầy Đặng Hoàng Dư, luyện thi toán tại TPHCM nhấn mạnh, thí sinh cần tập trung ôn tập những đề cương của giáo viên, hệ thống lại kiến thức ngắn gọn trọng tâm.
"Các em cần tránh học tủ học theo đề minh họa mà phải ôn tất cả các dạng toán khác trong chương trình. Vì đề minh họa chỉ mang tính tham khảo, ước lượng dạng đề nhưng không phản ánh cấu trúc ra đề của năm nay", ông Dư lưu ý.
Giai đoạn cuối, học sinh chú ý coi lại những dạng bài mình thường gặp sai sót, rèn luyện lại để rút kinh nghiệm.
Để được điểm 8 trở lên, ông Hoàng Dư khuyên học sinh phân bổ thời gian phù hợp.
Trong tổng số 90 phút, học sinh nên dành 35 phút đầu để làm kỹ 38 câu đầu tiên trong đề, dành 35 đến 40 phút để làm tốt câu từ 39 đến 50. Khoảng thời gian còn lại để hoàn thiện các câu chưa làm và kiểm tra 40 câu đầu với kiến thức cơ bản, dễ lấy điểm.
"Khi gặp câu hỏi nào khó, thí sinh nên bỏ qua và làm những câu dễ hơn trước. Sau khi xong câu dễ mới quay trở lại câu khó", ông Dư nói.
Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2023 và đề thi tốt nghiệp năm 2022, ThS Nguyễn Quang Thi nhắc lại một số một số chuyên đề của môn toán.
Chuyên đề 1: Hàm số
Chiếm khoảng 11 câu; trong đó, có 9 câu nhận biết và thông hiểu, có 2 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm số; tìm cực trị của hàm số; tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số; tìm đường tiệm cận của đồ thị hàm số, nhận dạng đồ thị hàm số; tìm số nghiệm thông qua sự tương giao của hai đồ thị hàm số.
Chuyên đề 2: Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và lôgarit
Chiếm khoảng 8 câu; trong đó, có 7 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm tập xác định của hàm số; tìm khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm; tính giá trị của biểu thức; so sánh các số lũy thừa; tìm nghiệm của phương trình và bất phương trình mũ và lôgarit.
Chuyên đề 3: Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng
Chiếm khoảng 6 câu; trong đó, có 5 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm nguyên hàm của hàm số; tính tích phân; tính diện tích hình phẳng; tính thể tích khối tròn xoay.
Chuyên đề 4: Số phức
Chiếm khoảng 6 câu; trong đó, có 5 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm phần thực, phần ảo và tính mô đun của số phức; tìm số phức liên hợp; tìm nghiệm của phương trình với hệ số thực; tìm số phức có mô đun lớn nhất hay nhỏ nhất thông qua tập hợp điểm biểu diễn của số phức.
Chuyên đề 5: Khối đa diện và thể tích của chúng
Chiếm khoảng 4 câu; trong đó, có 3 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm số mặt đối xứng của khối đa diện; tìm thể tích của khối đa diện (chủ yếu khối chóp và khối lăng trụ); tìm tỷ số thể tích của khối đa diện.
Chuyên đề 6. Khối tròn xoay
Chiếm khoảng 2 câu; trong đó, có 1 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm thể tích khối nón, khối cầu, khối trụ; tìm diện tích thiết diện của mặt phẳng cắt khối tròn xoay.
Chuyên đề 7: Phương pháp tọa độ trong không gian
Chiếm khoảng 8 câu; trong đó, có 7 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Tập trung vào các dạng: Tìm tọa độ của điểm thỏa điều kiện nào đó; tìm vectơ pháp tuyến của mặt phẳng; tìm vectơ chỉ phương của đường thẳng; tìm tọa độ tâm và tính bán kính mặt cầu; viết phương trình mặt phẳng, mặt cầu và đường thẳng; tìm tâm và tính bán kính đường tròn giao tuyến khi biết mặt phẳng cắt mặt cầu.
Chuyên đề 8: Cấp số cộng, cấp số nhân, tổ hợp, xác suất và tính khoảng cách
Đây là chương trình lớp 11 và chiếm khoảng 5 câu; trong đó, có 4 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng.
Tập trung vào các dạng: Đối với cấp số cộng và cấp số nhân thì tìm số hạng đầu, tính tổng, tính công sai hay công bội; đối với tổ hợp và xác suất thì tìm số tự nhiên, tìm số cách chọn các đồ vật rồi tính xác suất.
Đối với hình học không gian: tính khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau và tính góc giữa hai đường thẳng, giữa đường thẳng và mặt phẳng.