Tôi định đi xem pháo hoa để “soi”,ặtsạntrongđêmpháohoaNhịpcầuhạnhphútin the thao để “nhặt sạn” một lễ hội pháo hoa mà báo chí bấy lâu nay liên tục đưa tin bài, ngợi ca quy mô tổ chức của nó. Nhưng chủ đích ban đầu ấy của tôi đã hoàn toàn… đổ bể. Đêm pháo hoa thứ ba với chủ đề Nhịp cầu hạnh phúc đã thực sự khiến người xem hạnh phúc, khi chứng kiến những màn pháo hoa xứng tầm đẳng cấp đương kim vô địch của đội Martarelle (Ý) và một bản lĩnh của tài năng trẻ Vulcan (Hong Kong -Trung Quốc), khi được dẫn dắt đi qua nhiều cung bậc của thứ cảm xúc mà bất cứ ai cũng khao khát. Có thể nói, Ý vẫn xứng đáng “ngự” trên ngai vàng quán quân tính đến thời điểm hiện tại. Với trình độ kỹ thuật cao và sự sáng tạo không giới hạn cùng những thử nghiệm mới khi đưa vào nhiều loại pháo tầm cao với kích thước lớn, tạo hiệu ứng đặc biệt trên bầu trời, màn trình diễn của đội Ý đã mang đến cho người xem cảm giác choáng ngợp. | Phần trình diễn pháo hoa của đội Ý |
Bên cạnh đó, với sự tinh tế và gout thẩm mỹ cao, đội Ý đưa vào bài thi của mình một phần “nhạc đệm” rất ấn tượng, đậm chất Ý. Đây không chỉ đơn thuần là một phần thi, mà nó còn như một món quà gửi về đất mẹ đúng ngày Quốc khánh Ý (2/6). Vì thế, ngoài sự hoành tráng, rực rỡ, huy hoàng thì phần trình diễn pháo hoa của đội Ý còn mang nhiều thông điệp gửi gắm đến khán giả trên toàn thế giới về một đất nước Ý xinh đẹp, thanh lịch, hào hoa và thân thiện. | |
Khác với “ông lớn” Martarelle (Ý), đội Vulcan (Hong Kong- Trung Quốc) đến Đà Nẵng với vai trò “tân binh” ít nhiều gây nên sự hoài nghi cho khán giả. Tuy nhiên, chính sự “đồn đoán” ấy lại tạo nên những tò mò, háo hức chờ đợi. Và Hong Kong đã gây ngỡ ngàng cho hàng vạn người có mặt tại sân khấu bên sông Hàn cũng như hàng triệu khán giả xem truyền hình bởi tài năng và sự tinh tế trong phần trình diễn của mình. Nếu đội Ý như một anh chàng “soái ca” đẹp cả ngoại hình lẫn tâm hồn thì Hong Kong lại như một thiếu nữ 18 tuổi rực rỡ sắc màu, căng tràn sức sống. Màu sắc pháo hoa của đội Hong Kong thiên về màu “nóng” thể hiện khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ, cũng giống như thành phố trẻ Đà Nẵng đang từng ngày đổi thay và phát triển mạnh mẽ. Những bông hoa rực rỡ được đội Hong Kong bắn lên bầu trời như bức tranh sơn mài được vẽ vào trời đêm Đà Nẵng, thật lung linh, kỳ diệu. “Nhịp cầu hạnh phúc” không chỉ kết nối tình yêu đối với pháo hoa của các đội chơi, mà nó còn là cây cầu nối tình yêu của con người với âm nhạc và nghệ thuật. | Màn trình diễn nghệ thuật đêm |
Sân khấu nổi trên sông Hàn của DIFF có lẽ là sân khấu ca nhạc ngoài trời đẹp nhất từ trước đến nay. Những khối hình bán nguyệt nằm lung linh ánh sáng, những video art mang nhiều nét văn hoá Việt Nam kết hợp với background nhạc nước sinh động tạo nên một tổng thể vừa hiện đại vừa truyền thống. Nhìn từ chính diện, những khối bán nguyệt ấy dễ khiến người ta liên tưởng đến cầu Rồng biểu tượng của Đà Nẵng. Còn nhìn từ trên cao xuống, những vòng xoáy dẫn đến bục sân khấu cao nhất ở trung tâm sân khấu khiến người ta liên tưởng đến một bông hoa vừa chớm nở, liên tục đổi màu, lấp lánh, quyến rũ. Khán giả đến xem pháo hoa mà cứ trầm trồ về sân khấu suốt. Trên sân khấu đẹp ngoạn mục ấy, nghệ sỹ cũng thăng hoa hơn, diễn sung hơn, cảm xúc hơn nhiều. Bởi thế chăng mà khán giả được thấy một Trọng Hiếu Idol tràn căng nội lực của trẻ trung, của mới lạ, khi phối ca khúc “Vẽ thế giới” theo một phong cách hoàn toàn khác và khiến khán giả không ngừng lắc lư, vỗ tay theo nhịp điệu của ca khúc “Happy”. Bởi thế chăng mà sân pháo hoa đêm ấy cũng rực rỡ hơn khi “Ánh dương sáng chân trời, ngàn tia nắng soi ngời ngời” lấp lánh từ ca khúc Ý mang tựa đề O Sole Mio- Mặt trời của tôi do NSƯT Đăng Dương thể hiện. Hạnh phúc cũng được khắc họa thật dung dị và gần gũi trong hình ảnh những công nhân kéo cáp lên đỉnh Bà Nà, để rồi cái mà họ nhận lại là niềm vui khi được ngắm hoa đào chuông báo xuân về, khi xứ sở thần tiên được đánh thức. Hạnh phúc bình dị đó được truyền tới khán giả, khi ca sỹ Quang Hào và nhóm múa đã tái hiện lại những hình ảnh xúc động ấy qua ca khúc Hạnh phúc giữa mây bay (Trần Tiến). Có một niềm hạnh phúc khác cũng giản đơn nhưng có sức truyền lửa không kém tới khán giả đêm pháo hoa 2/6, đó là hạnh phúc được cống hiến cho đời, được sống bình dị, giản đơn nhưng đầy mạnh mẽ như những bông hoa Đào chuông rực rỡ trên đỉnh núi Bà Nà mà ca sỹ Hồ Quỳnh Hương và nhóm múa đã chọn làm nguồn cảm hứng khi thể hiện ca khúc Sống như những đoá hoa (Tạ Quang Thắng). | |
Có thể nói, đêm trình diễn pháo hoa với chủ đề Nhịp cầu Hạnh Phúc đã diễn ra một cách hoàn hảo. Những khuôn hình từ flycam trên cao đã ghi lại một Đà Nẵng lung linh huyền ảo trong một đêm trình diễn pháo hoa kết hợp với nghệ thuật âm nhạc. Tỉ mỉ và chi tiết từ ý tưởng, thông điệp cho đến việc dàn dựng, tạo hiệu ứng, sự kết hợp – tương tác giữa biểu diễn âm nhạc và trình diễn pháo hoa cũng như các mạch kết nối trong toàn bộ sự kiện đã được thực hiện chặt chẽ, bài bản, nhuần nhuyễn mà không có bất kỳ “hạt sạn” nào. Một đêm hội pháo hoa cũng lại là một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoàn hảo – Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF 2018 đã làm được điều đó, chí ít là qua ba đêm trình diễn mùa hè 2018, để khẳng định tầm cỡ của một sự kiện mang tầm quốc tế, khẳng định vị thế của Đà Nẵng- “thành phố pháo hoa mới của châu Á”. (Theo Thể Thao Văn Hóa) |