Sau khi dịch Covid-19 được chế ngự ở các tỉnh thành trong cả nước, ngày 14/4, Bộ GD-ĐT đã ban hành Điều lệ Giải bơi phổ thông học sinh toàn quốc năm 2022. Giải có mục đích đẩy mạnh phong trào tập luyện, thi đấu môn bơi, nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân phòng, chống tai nạn đuối nước. Cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh. Các địa phương trên cả nước đã khẩn trương triển khai sự kiện.
Ngày 25/4, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có công văn hướng dẫn tổ chức giải bơi học sinh THCS và THPT toàn thành phố. Điều gây thất vọng là công văn này đã "bay" mất đối tượng dự thi ở độ tuổi tiểu học, chỉ cho phép học sinh từ lớp 6 trở lên được dự thi.
Một số phụ huynh bức xúc: Từ trước đến nay, các giải bơi của thành phố vẫn tổ chức đều đặn, có cả đối tượng học sinh tiểu học, không hiểu sao đến năm nay lại "cắt" mà không giải thích lý do. Giới hạn độ tuổi dự thi bậc tiểu học là bất cập lớn, bởi các phong trào hoạt động thể thao cần được khuyến khích từ bậc học này. Đó là chưa kể đến việc học sinh vừa trải qua quãng thời gian học online dài gần như cả năm học, các em không được tham gia bất kỳ hoạt động tập thể nào ngoài trời của nhà trường. Việc có một sân chơi lành mạnh là mong mỏi chính đáng.
Phản ánh nguyện vọng tới lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, một số phụ huynh ở quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì chia sẻ: Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, các em vẫn tìm cách tập luyện chăm chỉ để hướng tới những hoạt động tập thể khi bình thường trở lại. Tập luyện vừa giúp trẻ duy trì nề nếp, rèn thể lực, vừa tạo sự cân bằng tâm sinh lý trong điều kiện phải học online, không có môi trường giao tiếp cũng như vận động. Việc cho con em mình tham gia hoạt động ngoại khóa ở các câu lạc bộ thể thao cũng là cách phụ huynh phối hợp với ngành giáo dục trong việc đào tạo thể chất cho học sinh khi điều kiện giáo dục thể chất ở các trường học còn chưa đầy đủ. Giải bơi học sinh các cấp nói riêng, cũng như phong trào thể thao nói chung là những sân chơi bổ ích, thúc đẩy thể thao học đường.
Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của các phụ huynh về những bất cập của giải thi đấu bơi lội thành phố, đơn vị này đã đề xuất điều chỉnh bổ sung các nội dung theo Điều lệ giải bơi của Bộ GD-ĐT. Đến ngày 29/4, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Lưu Hoa đã ký công văn số 1130, bổ sung một số nội dung trong công văn trước đó. Cụ thể là: Bổ sung đối tượng dự thi học sinh cấp Tiểu học. Những học sinh đang học từ lớp 1 đến lớp 5 của năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố, có đủ điều kiện và sức khỏe tham gia thi đấu.Một điểm đáng ghi nhận nữa, theo phản ánh của các phụ huynh, là Điều lệ giải của Sở GD-ĐT Hà Nội năm nay còn phân chia thí sinh thành 2 nhóm tuổi từ 6 đến 8 (sinh năm 2013, 2014, 2015) và từ 9 đến 11 (sinh năm 2011, 2012) chứ không để chung một độ tuổi như các năm trước.
Đón nhận thông tin về sự điều chỉnh nói trên, các phụ huynh bày tỏ sự vui mừng bởi những lãnh đạo của ngành giáo dục Thủ đô đã quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của con em họ. Điều này càng có ý nghĩa khi ngay ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và các điều kiện cần thiết liên quan tới kỹ năng bơi cho trẻ em.
"Mỗi cuộc thi, dù là ở cấp quận hay thành phố, số lượng giải thưởng không nhiều. Nhưng các con dự thi không chỉ để đoạt giải, bởi giải thưởng chỉ dành cho số ít các thí sinh có năng khiếu và luyện tập chăm chỉ. Điều quan trọng là duy trì được một sân chơi lành mạnh để nhiều học sinh khác có động lực duy trì hoạt động thể thao đều đặn. Tổ chức những sân chơi như vậy là trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục. Tôi hy vọng lãnh đạo mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, từng công tác ở ngành Thể thao - Văn hóa, sẽ tích cực hơn nữa trong việc tạo ra các sân chơi cho học sinh, không chỉ các giải thi đấu thể thao, mà còn những hoạt động khác như đọc sách, phát triển thư viện... để thúc đẩy giáo dục toàn diện một cách thực chất. Đó cũng là cách thực thi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà toàn ngành đang nỗ lực triển khai, chứ đổi mới giáo dục không chỉ là thay sách giáo khoa hay tăng thời lượng học các môn chính khóa", một phụ huynh ở quận Đống Đa bày tỏ.
Hạ Anh
"Cái giá thực sự của cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ được tính bằng mạng sống của trẻ em, những đứa trẻ mất mạng vì bạo lực, và những đứa trẻ bị thay đổi mãi mãi do xung đột. Nếu không chấm dứt giao tranh và được tiếp cận nhân đạo đầy đủ, cái giá phải trả sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân”, bà Russell, người đã đến thăm Gaza vào tuần trước, nhấn mạnh.
“Dải Gaza hiện là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với trẻ em. Ở Gaza, hậu quả của bạo lực đối với trẻ em là rất thảm khốc”, bà Russell nói thêm.
"Phụ nữ ở Gaza nói với chúng tôi rằng họ cầu nguyện cho hòa bình, nhưng nếu hòa bình không đến, họ cầu nguyện cho một cái chết nhanh chóng trong giấc ngủ với những đứa con nằm trong vòng tay. Chúng ta nên cảm thấy xấu hổ khi để bất kỳ người mẹ nào, ở bất cứ đâu, đưa ra lời cầu nguyện như vậy”, Giám đốc điều hành tổ chức Phụ nữ LHQ Sima Bahous cho hay.
Hôm 22/11, chính phủ Israel đã phê chuẩn một thỏa thuận với Hamas. Theo đó, Hamas sẽ thả 50 con tin để đổi lấy 150 phụ nữ và trẻ em Palestine đang bị Israel giam giữ, cùng lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hamas là "bước đi quan trọng đúng hướng, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt đau khổ".
Theo người đứng đầu Quỹ Dân số LHQ Natalia Kanem, có 5.500 phụ nữ mang thai ở Dải Gaza dự kiến sinh con trong tháng 12.
“Mỗi ngày có khoảng 180 phụ nữ sinh con trong điều kiện kinh khủng, tương lai của những đứa trẻ sơ sinh là không chắc chắn", bà Kanem nói.
Bà Kanem cũng nhấn mạnh sự lo lắng khi có khoảng 7.000 phụ nữ đã sinh con trong 47 ngày qua, nhưng không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, nước sạch, vệ sinh và dinh dưỡng.