Sau khi Unitel gia nhập thị trường Lào, số lượng người dân tiếp cận với di động đã tăng 6 lần, từ 18% lên 100%. Ảnh: Xuân An Unitel đã hỗ trợ tích cực cho Lào trong chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử với tổng giá trị trên 3,3 triệu USD. Đồng hành cùng hoạt động kinh doanh, Unitel thực hiện nhiều chương trình xã hội ý nghĩa với tổng trị giá tài trợ trên 34 triệu USD như: Internet miễn phí cho các trường học, đào tạo hàng trăm nhân sự chất lượng cao CNTT-viễn thông, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng lũ lụt thiên tai...
Ông Lưu Mạnh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Unitel là 1 trong 3 chuyên gia đầu tiên của Viettel được cử sang Lào hỗ trợ LAT triển khai mạng lưới để chuẩn bị hình thành liên doanh chia sẻ: “Năm 2006, Lào có một nhà mạng thuộc quân đội, gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật, mạng nghẽn liên tục. Viettel cử đoàn kỹ sư đầu ngành sang hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng, đồng thời tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai nước. Đoàn chúng tôi gồm 3 người, ngày càng bén duyên với đất nước Lào và sau đó xây dựng Unitel. Tôi không nghĩ sẽ có ngày quay lại đây làm việc. Nhưng đúng 12 năm sau, tôi đã trở lại với cương vị dẫn dắt con tàu Unitel. Đây là liên doanh giữa Lào và Việt Nam nên mang sứ mệnh góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Unitel là đại sứ của một tình bạn vĩ đại giữa hai quốc gia ”.
Unitel đang hình thành một diện mạo mới, không còn là một nhà mạng viễn thông thuần túy mà trở thành một công ty công nghệ đi đầu trong việc phát triển ứng dụng CNTT như Chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh. Unitel tiếp tục phấn đấu là công ty công nghệ hàng đầu, mang đến những công nghệ mới nhất như AI, IoT… và tiên phong trong chuyển đổi số, hướng tới xây dựng xã hội 4.0, đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống người dân Lào. Công ty cũng hướng tới xây dựng hệ sinh thái, tham gia vào nhiều lĩnh vực của xã hội như Mobile Money, các dịch vụ số, thương mại điện tử và tích cực hỗ trợ cho startup công nghệ.
Unitel giới thiệu giải pháp đô thị thông minh tại Lào. Nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư sang thị trường Lào
Cùng với Viettel, những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như VNPT, FPT… cũng đầu tư vào thị trường Lào. Tháng 12/2014, Công ty Viễn thông quốc tế VNPT-International chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Lào, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa VNPT với các đối tác khách hàng tại Lào và quan hệ hợp tác giữa Lào và Việt Nam. VNPT đã ký kết một số thỏa thuận với các đối tác của Lào như Sky Telecom và Planet ISP.
Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực CNTT, FPT đã đầu tư mạnh sang thị trường Lào. Năm 2013, FPT ký kết hợp đồng triển khai dự án hệ thống quản lý mạng tập trung với Công ty Viễn thông Lào giá trị hơn 1 triệu USD. FPT cũng hỗ trợ hệ thống thông tin quản lý tài chính cho Tổng công ty Điện lực Lào vào năm 2018, đây là dự án ERP đầu tiên của FPT tại đất nước Triệu voi.
FPT đã và đang triển khai nhiều dự án CNTT với các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, chính phủ, ngân hàng, tài chính công tại Lào như: Vụ thuế Lào, Điện lực Lào, Lao Telecommunication Public Company, Unitel, ETL, T-plus, BCEL, LaoViet Bank, ST Bank, Indochinabank…
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Ubonpaseuth đến Việt Nam, ngày 26/7/2022, Công ty TNHH Đầu tư, Phát triển & Xây dựng Á Châu (AIDC) và FPT IS đã ký kết hợp tác chiến lược xây dựng hệ thống thông tin quản lý khai thác mỏ và xuất khẩu tài nguyên mỏ cho AIDC cùng Bộ Tài chính Lào. "Thỏa thuận là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy và giao lưu chuyển đổi số giữa hai quốc gia láng giềng trong khu vực ASEAN. Việc xác định ứng dụng CNTT trong quản lý khai thác mỏ và xuất khẩu tài nguyên mỏ là một chiến lược thể hiện tầm nhìn đúng đắn, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của AIDC nói riêng và chính phủ Lào nói chung", ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS chia sẻ.
Đại diện FPT IS và AIDC ký kết hợp tác chiến lược trong việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý khai thác mỏ và xuất khẩu tài nguyên mỏ. Ảnh: FPT Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Quang Cường, CEO NextFarm - công ty chuyên về giải pháp nông nghiệp thông minh được thành lập từ năm 2017 - cho hay, NextFarm đã cung cấp trọn vẹn giải pháp công nghệ cho nhiều mảng chăn nuôi và trồng trọt của bà con. Ngoài việc mang đến giải pháp cho hộ nông dân, startup nông nghiệp này còn là đối tác của các doanh nghiệp lớn như: Viettel, Hitachi (Nhật Bản), Jetro (Nhật Bản), ITA (Ý). Nhiều ứng dụng của công ty không chỉ triển khai thành công trong nước mà còn vươn ra một số thị trường ngoài nước như Lào.
Các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đang đem đến cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Lào những sản phẩm, giải pháp số. Đây không chỉ đơn thuần là thị trường đầu tư mà còn thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào tốt đẹp và bền vững.
Bài 3: Nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Bưu chính Việt Nam – Lào
" width="175" height="115" alt="Hợp tác Việt" />