Thời phổ thông,ĐìnhDiệudạtruc tiep bong da hom nay có nhiều lúc tôi ngán mớ đời khi có đứa bạn hay thậm chí thầy giáo hỏi có phải cái bài toán về nhà tôi nhờ bố nên mới giải được, trong khi thực ra toàn bộ đời đi học của tôi chỉ có hai bài nhờ bố giải. Ngay cả khi tôi hỏi bố nên học toán hay tin học thì bố cũng bảo: “Bố tôn trọng mọi quyết định của con”.
Vậy mà trong thâm tâm tôi luôn nghĩ bố là người thầy dạy mình học văn dù rằng chỉ có một lần duy nhất bố can thiệp vào việc học văn của tôi.
Hai cha con GS Phan Đình Diệu - Phan Thị Hà Dương |
Lần ấy tôi bị 4 điểm bài văn kiểm tra chất lượng đầu năm lớp 6. Trước đấy, mặc dù cứ thích đọc thơ và suốt ngày ôm truyện nhưng đi học thì tôi chỉ khoái môn toán nên cũng chẳng ghét bỏ hay yêu quý gì môn văn, có khi tôi được 9 điểm cao nhất hồi lớp 3 khi vô cùng xúc động làm bài văn về anh Lê Văn Tám, cũng có khi tôi làm lục bát ngang phè vào hồi lớp 5. Nói chung không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Nhưng 4 điểm, lần đầu tiên dưới trung bình, là chuyện tày đình, và vì thế lần đầu tiên bố đọc bài văn của tôi. Tôi vẫn nhớ có một câu đề bài là “Hãy viết một câu văn hay, sử dụng biện pháp nhân cách hóa” và tôi đã chép nguyên xi một trong các câu mẫu của cô “những dãy nhà tường trắng mái đỏ của trường em trông như những chú lùn đội mũ đỏ”.
Bố bảo tôi: “Bố không thấy câu văn này hay ở chỗ nào”. Tôi lý sự: “Nhưng chính cô cho bọn con học câu mẫu, bây giờ con chép lại thì cô lại trừ điểm”. Bố nhìn tôi rất nghiêm trang và hỏi: “Thế con có thấy những dãy nhà ở trường giống các chú lùn không?”. Tôi lí nhí: “Nhưng mà cô ...”. "Không, bố hỏi con cơ, con có thấy thế không?”. Tôi được dịp bùng ra: “Không ạ, con chẳng thấy giống gì cả, nhà thì dài dằng dặc, như cái hộp, chẳng biết sao cô lại cho như thế, chỉ tại cái nhân cách hóa thôi ạ!".
Lúc ấy bố nhìn tôi rất thẳng và bảo tôi: “Bố muốn con hiểu rằng con chỉ nên viết ra những gì mà con thực sự nghĩ là đúng.”
Còn tôi làm nũng bố: “Con chẳng biết thế nào là một câu văn hay cả”.
Bố nói rằng sao bố thấy con suốt ngày đọc truyện mà bây giờ đến một câu văn hay cũng không biết, con đang đọc truyện gì vậy. Thật là xui xẻo cho tôi, cái thời đấy thì vớ được gì đọc nấy chứ có nhiều lựa chọn đâu (hồi ấy phải có người quen mới mua được truyện từ NXB mà). Nếu mà cách đấy mươi ngày, tôi đang đọc “Tôm Giôn- đứa trẻ vô thừa nhận” tập 1 (tập 2 và 3 phải cả năm sau mới được đọc) thì đã chẳng vấn đề gì, đằng này lúc ấy tôi lại đang một gối hai quyển dày cộm “Ghenny Ghéchac” và “Hoa hậu xứ Mường”. Bố không bằng lòng một chút nào, bố bảo rằng xưa nay bố để tôi tự do đọc sách nhưng vì bây giờ tôi không biết viết một câu văn nữa nên bố mới phải quan tâm đến việc này, và rằng hai cuốn này không phù hợp với tôi. Dù tôi đã năn nỉ bố là đang đúng đoạn hồi hộp và truyện sắp phải trả rồi nhưng bố kiên quyết không.
Rồi bố bảo: “Nếu con muốn biết thế nào là một câu văn hay thì con có thể đọc cuốn này”, và bố rút trên giá sách xuống một cuốn sách. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác khi cầm cuốn sách đó. Một cuốn sách khá mỏng, bìa được bọc bằng giấy nâu, kiểu giấy xi măng ngày xưa, ở gáy sách và ở bìa sách, phía chếch lên bên phải là những nét chữ in của bố, nét chữ mực màu đen: “GIÓ ĐẦU MÙA”. Màu sắc của bìa sách, cả việc cuốn sách được bọc và nét chữ của bố như chìm vào bìa mang đến cho tôi môt cảm giác trân trọng trang nghiêm và mênh mang.
Tôi vẫn nhớ hai truyện đầu tiên là “Nhà mẹ Lê” và “Hai đứa trẻ”, chỉ có điều tôi không nhớ là truyện nào trước truyện nào sau (có lần tôi tranh luận với một bạn, tôi nói “Nhà mẹ Lê mình nhớ rõ ràng” còn nó bảo “Hai đứa trẻ không thể sai được”, cuối cùng cùng với thời gian thì ý kiến của nó hòa vào với tôi đến nỗi bây giờ tôi mới chẳng còn nhớ gì thế này).
Sau này, theo trí nhớ của tôi, tôi đã luôn tự viết các bài văn mà chẳng bao giờ chép lại từ đâu cả, và có vẻ là tôi còn rất tự tin nữa cơ.
Sau Thạch Lam, tôi quá háo hức, và đã quét sạch cả một ngăn giá sách của bố, đầu tiên là mấy tập tuyển tập Nam Cao, tôi thấy buồn quá và cũng nhiều chuyện không hiểu được, rồi thích nhất là hai (hay ba) tập Nguyễn Công Hoan, văn ông rất sinh động, nhiều đối thoại; rồi Thế Lữ. Thế Lữ cả thơ và văn chỉ một quyển, rất dày. Phần đầu là thơ, mở đầu bằng “Nhớ rừng”, phần sau là văn. Tôi kể cho bố nghe tôi khoái chí thế nào khi đọc “Những nét chữ” và “Vàng và máu”, bố bảo hồi sinh viên bố cũng rất thích đọc truyện trinh thám của Thế Lữ. Bố mẹ và cả nhà rất thích nghe tôi đọc “Nhớ rừng”, tôi bé con mà rất thích đọc hùng tráng, còn bố thích đọc “Tiếng trúc tuyệt vời”, tôi vẫn nhớ những lúc bố đọc:
“Cô em đứng bên hồ
nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ
Chừng cô tưởng đến ngày vui sẽ mất,
mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Cho nên khi cô nghe tiếng trúc tuyệt vời
Thổn thức với lòng cô thổn thức
Man mác với lòng cô man mác
Cô để tâm hồn tê tái bâng khuâng ..."
Và bố hỏi tôi có biết vì sao lại gọi là “cô em” mà không phải là “cô” hay “em” không, nhưng hình như bố không trả lời. Sau này, khi đọc Thi nhân Việt Nam tôi có thấy Hoài Thanh bình chữ này.
Ngày ấy, đi đâu bố cũng xách tôi theo, tôi đi gặp những ông Moi Sép, cô Linđa, tôi lên Đồi Thông, tôi đến Nghĩa Đô.
Hồi tôi mới ở Pháp về Viện Toán làm việc, có lần tôi đang đứng ở bảng thông báo đọc linh tinh thì bỗng nghe: “Em có phải là Hà Dương không, sao em lại ở đây, trông em chẳng khác cái hồi 9 tuổi hay lên Viện đọc thơ gì cả”. Tôi buồn cười quá, vì tôi nghĩ là mình rất khác, thậm chí khác với vài tháng trước đó. Và mặc dù tất nhiên là tôi chẳng nhớ ra anh ấy là ai nhưng tôi vẫn được tặng một bó hoa bất tử đang bày trong phòng làm việc của anh ấy. Bó hoa ấy tôi vẫn để trong phòng làm việc của mình (hơi bụi một tí) như kỷ niệm về một thời 9 tuổi hay lẽo đẽo theo chân bố mẹ.
Một chấm sao không ngủ cuối thiên hà
Ngày trước, những năm 80, những năm cuối cấp một và cấp hai của tôi, nhà tôi ở khu Đồng Xa, bố tôi có rất nhiều bạn bè đến chơi. Chủ nhật nào phòng khách nhà tôi cũng có bạn của bố tôi, những bạn học cũ, bạn toán, bạn văn; những người bạn mới, có những người vì một bài viết của bố tôi mà đã đến rất nhiều chủ nhật và đã trở nên thân thiết.
GS Phan Đình Diệu và người thân |
Tôi vẫn nhớ chiều chủ nhật ấy, trong phòng khách nhà tôi có bố mẹ tôi, có cậu Cương (PGS. Văn Như Cương), có bác Đoàn Quỳnh, bác Hoàng Xuân Sính, có lẽ có cả bác Hà Văn Tấn nữa, và các bác khác. Bố tôi nói: "Mình có tập thơ này hay lắm, của Việt Phương”. Và bố tôi giới thiệu với mọi người một tập bản thảo chép tay của bác Việt Phương, nét bút mực trên nền giấy hơi ngà sẫm màu, các chữ đầu dòng đều không viết hoa, và tên bài thơ nào cũng chỉ là một chữ. Tập thơ ấy không phổ biến và bác đã cho bố mượn.
Bố tôi đọc cho các bạn mình nghe một số bài. Tôi vẫn nhớ không khí của buổi chiều ấy, niềm hứng khởi và sự tâm đắc của bố và các bạn. Theo trí nhớ của tôi thì nhiều bài thơ mang tính trí tuệ và mọi người đã thán phục vì những tứ thơ độc đáo và sâu cay, có những tứ thơ làm mọi người bật lên như một sự khám phá. Nhưng bài thơ mà tôi thích nhất là một bài thơ tình cảm, với một cái tên thật lạ: màu. Tôi vẫn nhớ giọng đọc thơ của bố khi đó, tách khỏi giọng đọc có phần nhấn nhá, đôi khi hơi hài hước và có khi nhấn giọng lúc trước, bài thơ này bố tôi đọc rất tình cảm.
Đến bây giờ tôi vẫn như đang nghe thấy giọng đọc trầm ấm, trìu mến và tình cảm của bố tôi.
em cứ là những tinh mơ tê tái rét
phanh cổ áo ra cho gió siết vào da
em cứ là cơn giông đầu mùa
đi đầu trần đón dòng mưa xối xả
em cứ là cái khoảng cách chập chờn sương phủ
suốt một đời anh vất vả vượt qua
em cứ là giữa mịt mùng vô định
một chấm sao không ngủ cuối thiên hà
Những tối sau đó, bố tôi còn đọc cho mấy mẹ con nghe, có những bài bố cho tôi đọc nữa. Chỉ hơn một tuần thôi, rồi bố tôi đã trả lại tập bản thảo cho bác Việt Phương. Nhưng bài thơ đã in vào trong trí não tôi.
Sau này, sau những năm 1990, khi nhà tôi đã chuyển, khi những cuộc cách mạng đã nở bừng trên thế giới, khi những biến cố lớn đã đến với biết bao người bạn thân thiết của bố tôi, người ta đã nhắc nhiều hơn đến những bài thơ của bác. Và mãi về sau, khi tập thơ “Cửa đã mở" của bác Việt Phương được in, tôi đã tìm mua, mong nhìn lại những bài thơ hồi bé tôi đã được nghe bố đọc. Tôi tìm thấy những bài như bài “Thịt":
Chị mười ba ý tứ nết na
Cuối bữa cơm gắp rụt rè một miếng
(Ngày trước, khi bố tôi đọc bài này, mẹ tôi hay bảo giống chị tôi, lúc nào cũng nhường nhịn cả nhà).
Có nhiều bài nữa, nhưng tôi không tìm thấy bài thơ trong tâm trí tôi. Và vì thế, có những khi tôi cứ thưởng cho mình cái ý nghĩ rằng chỉ có bố tôi và tôi nhớ bài thơ ấy thôi.
Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu rõ hết nghĩa của tên bài thơ, nhưng rất nhiều những sáng tinh mơ khi tiết thu đã hết và những làn gió sớm mùa đông siết buốt da, tôi lại phóng trên đường phố Hà Nội, lại bỏ khăn quàng cổ để cảm nhận câu thơ.
Đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi chợt nhận ra vì sao việc đọc một bài thơ đối với tôi có ý nghĩa thiêng liêng đến thế. Tôi đã chịu ảnh hưởng của bố, đã luôn nâng niu từng bài thơ, nâng niu từng giây phút mình đọc thơ. Tôi đã luôn chịu ảnh hưởng của bố, từ ngày bé thơ cho đến sau này, và mãi mãi.
"Và nếu như nhà thơ viết một bài thơ không chỉ bằng một phút giây tỏa sáng mà bằng một phút giây tỏa sáng cộng với cả cuộc đời mình; thì người đọc thơ đọc một bài thơ không chỉ bằng một đêm xuân khi hình như mưa lất phất bay mà bằng một đêm xuân mưa lất phất bay cộng với cả cuộc đời mình...". |
Phan Thị Hà Dương
Bài thơ theo suốt cuộc đời nhà toán học Phan Thị Hà Dương
"... Nhưng tôi nhớ, chẳng bao giờ tôi có thể quên, bài thơ đầu tiên mà tôi tự cầm sách đọc, đọc và yêu thích, đọc và ghi nhớ, đọc và mang theo suốt cuộc đời. Đó là "Buổi sơ khai"...."