- Tổng cục An ninh - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa phát hiện và triệt phá một tổ chức trộm cước viễn thông có quy mô lớn, sử dụng trang thiết bị đặc chủng và tinh vi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Sau quá trình điều tra từ đầu năm 2016, ngày 17/11 vừa qua, Tổng cục An ninh (A87, A92) và Thanh tra Bộ TT&TT, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành thanh tra đột xuất và bắt, khám xét đồng loạt 7 địa điểm tại Văn Quán (Hà Đông), Lương Thế Vinh (Nam Từ Liêm), Phú Lương (Hà Đông), Định Công (Hoàng Mai), Chùa Bộc (Đống Đa) và Móng Cái (Quảng Ninh), phát hiện 8 hệ thống viễn thông chuyên dụng đang hoạt động chuyển bất hợp pháp các cuộc điện thoại quốc tế về Việt Nam.
|
Các đối tượng Phạm Công Toàn (bên trái) và Nguyễn Văn Trịnh (bên phải)
|
Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp các đối tượng trực tiếp tham gia việc lắp đặt và vận hành hệ thống này, đứng đầu là các đối tượng Phạm Ngọc Anh (hay Phạm Công Toàn), sinh 1987, trú tại phường Hải Xuân, Móng Cái, Quảng Ninh và đối tượng Nguyễn Văn Trịnh, sinh 1983, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trộm cước viễn thông bằng hệ thống đặc chủng, hiện đại
Cơ quan chức năng đã thu giữ 12 thiết bị VOIP GSM Gateway loại Dinstar DGW 2000-32G (32 kênh/1 thiết bị) do Trung Quốc sản xuất, tương đương một hệ thống 384 kênh liên lạc quốc tế và nhiều tài liệu, tang vật liên quan.
|
Tang vật thiết bị thu phát sóng viễn thông trái phép được cơ quan chức năng thu giữ.
|
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Đối tượng trong nước móc nối với đối tượng nước ngoài đặt các hệ thống thu phát sóng di động kích thước nhỏ. Đây là mạng viễn thông quốc tế IP ảo được thiết lập trái phép, bao gồm hệ thống thu phát sóng (VOIP GSM GATEWAY) được kết nối với máy chủ điều khiển hệ thống đặt tại Hong Kong (SIM Server), máy chủ lưu giữ liệu SIM ảo (SIMBANK Server) đặt tại Trung Quốc và các hệ thống máy chủ Voice IP (IP Server) đặt tại Mỹ, Hàn Quốc…
Đối tượng cầm đầu tổ chức lắp đặt hệ thống này tại các địa điểm nêu trên là Phạm Ngọc Anh (tức Phạm Công Toàn) trú tại Móng Cái, Quảng Ninh. Phạm Công Toàn đã thu gom hàng chục ngàn SIM trả trước hoặc SIM kích hoạt sẵn tại một số địa phương rồi mang sang Trung Quốc dùng phần mềm để sao chép thông tin SIM, tạo thành SIM ảo, EMEI giả để sử dụng cho máy chủ đặt tại Hong Kong để giảm chi phí đường truyền.
Trộm cước bằng thủ đoạn tinh vi
Phương thức, thủ đoạn của tổ chức tội phạm này là mua SIM từ Việt Nam, chuyển sang Trung Quốc để nạp vào máy chủ lưu SIM (SIMBANK) và từ đây đẩy dữ liệu của các SIM điện thoại kích hoạt sẵn tại Việt Nam sang máy chủ điều khiển mạng (SIM Server) đặt tại Hong Kong.
Hệ thống mạng viễn thông trái phép này có thể thực hiện được tới hàng chục ngàn cuộc gọi quốc tế về Việt Nam. Các cuộc gọi quốc tế xuất phát từ nhiều quốc gia tại Bắc Mỹ, Úc, châu Âu, Mỹ La-tinh, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo tính toán sơ bộ, các cuộc gọi này khi thực hiện thành công đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước bị thất thu nhiều tỷ đồng cước điện thoại quốc tế.
Thủ đoạn trộm cước viễn thông quốc tế này nhắm đến những người ở nước ngoài có nhu cầu liên lạc với người thân tại Việt Nam thường xuyên và muốn giảm cước điện thoại. Các hệ thống liên lạc lắp đặt trái phép tại Việt Nam cũng tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, những nơi có nhu cầu liên lạc quốc tế từ nước ngoài về nhiều và tập trung.
Để tránh bị phát hiện và gây khó khăn cho cơ quan điều tra, máy chủ SIM ở Hong Kong luôn điều hướng các SIM ảo tại Việt Nam (thực hiện việc chuyển tiếp cuộc gọi tới người nhận) và thay đổi liên tục. Điều này khiến các mạng viễn thông rất khó truy tìm vị trí lắp đặt hệ thống liên lạc trái phép, khi số thuê bao chuyển tiếp vừa thực hiện ở Hà Nội, vài phút sau lại thực hiện cuộc gọi ở TP.HCM hoặc Đà Nẵng.
Chính vì vậy, dù bị phát hiện và theo dõi từ đầu năm 2016, nhưng phải đến tháng 11, cơ quan chức năng cùng các chuyên gia công nghệ cao mới xác định chính xác được các điểm thu phát sóng viễn thông trái phép tại Việt Nam. Vì các thiết bị phát sóng này rất nhỏ gọn, nên nhóm đối tượng trộm cước có thể lắp đặt bên trong nhà, duy trì nguồn điện 24/7 và có ắc-quy dự phòng mất điện.
Một yếu tố khác khiến công tác điều tra gặp khó khăn là các SIM được nhóm đối tượng sử dụng là SIM kích hoạt sẵn nên thông tin chủ thuê bao không chính xác, do đó không thể truy tìm theo thông tin chủ sở hữu của SIM. Để giải quyết vấn đề này, trong tháng 11/2016, Bộ TTT&TT cũng đã phối hợp với cơ quan an ninh để thu hồi hơn 10 triệu SIM kích hoạt sẵn đã chuyển tới các đại lý để bán ra thị trường, từng bước xử lý triệt để vấn đề SIM rác và tin nhắn rác.
Video tiến hành khám xét nhà đối tượng:
Play">