Nowhereelse.fr. Gần đây, anh đăng tải những bức ảnh rò rỉ trên tài khoản Twitter của mình là OnLeaks, và hầu hết chúng đều là ảnh thật. Một ví dụ như Hemmerstoffer đã đăng tải chính xác kích thước của iPhone SE trước khi máy ra mắt vào mùa xuân 2016, hay trước đó là kích thước của iPad Pro năm 2015.
Anh cũng là tác giả của hàng loạt bức ảnh rò rỉ các điện thoại Android cao cấp, như Galaxy Note7.
Trang Business Insidermới đây đã có cuộc phỏng vấn với Hemmerstoffer để tìm hiểu vì sao anh có được những bức ảnh này, làm cách nào để phát hiện các ảnh, thông tin rò rỉ giả mạo, và trò chơi rò rỉ này về bản chất là như thế nào.
Bạn có thể cuộn chuột xuống phía dưới để xem các bức ảnh rò rỉ gần đây nhất mà Hemmerstoffer đăng tải, cũng như xem anh nghĩ gì về iPhone 7 mà Apple ra mắt năm nay.
Anh là Steve Hemmerstoffer, biên tập viên của trang Nowhereelse.fr, và còn được biết đến với tên OnLeaks. Liệu đăng tải ảnh sản phẩm công nghệ rò rỉ có phải là công việc toàn thời gian của anh?
Tôi là biên tập viên và cũng là tay viết cho Nowhereelse.fr, một công việc toàn thời gian tôi đã làm trong 10 năm nay. Trong nhiều năm, tôi đã lan truyền các rò rỉ và tin đồn tôi khám phá được trên các blog, trang tin, diễn đàn, và mạng xã hội. Dần dần tôi tạo ra được một mạng cung cấp thông tin của riêng mình. Nhờ các rò rỉ này - các rò rỉ mà thường tôi phát hiện ra được trước những người khác - trang của tôi nhanh chóng được quốc tế biết đến. Việc các bài báo của tôi được viết bằng tiếng Pháp rõ ràng là một trở ngại dành cho độc giả nước ngoài. Đó là lý do vì sao hồi đầu năm 2015, tôi quyết định lập tài khoản Twitter @OnLeaks để chia sẻ các thông tin rò rỉ bằng tiếng Anh.
Tôi luôn sợ việc đăng tải thông tin rò rỉ trừ khi nguồn tin là đáng tin cậy. Làm thế nào anh phát hiện ra ảnh nào là ảnh giả?
Các kỹ thuật cho phép chúng ta phân biệt giữa thật và giả là rất nhiều, tuy nhiên, không có gì thay thế được kinh nghiệm và hiểu biết. Tôi dành ra khoảng 2 đến 3 giờ mỗi ngày cho hoạt động này. Tôi truy cập vào rất nhiều website, diễn đàn, mạng xã hội và rồi tìm hiểu được rất nhiều về thông tin rò rỉ, trong đó có những nguồn đáng tin cậy và cũng có những thông tin giả mạo.
Bởi vậy, tôi có thể biết một bức ảnh nào đó trên Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc) là giả hay thật. Tôi có thể nhận diện hàng giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Một thực tế thường xảy ra là khi một ai đó tìm thấy vài bức ảnh trên Internet, anh ta đem về chỉnh sửa (retouch) nhằm đánh lừa người khác đây là ảnh thật. Cách đơn giản nhất để phát hiện ra hành vi này là dùng bức ảnh đó tìm kiếm ngược lại trên Google để truy ra nguồn gốc ảnh.
Kỹ thuật này không chỉ giúp phát hiện ảnh đã bị Photoshop hay chưa, mà còn cho chúng ta biết được nguồn thông tin gốc của nó là từ đâu. Với tôi, đây là điều quan trọng bởi chúng ta cần trích dẫn thông tin từ nguồn gốc, chứ không phải trích dẫn từ một người đi ăn cắp của người khác.
Nói ngắn gọn, để nhận diện thông tin giả, bạn nên:
Dùng hiểu biết của mình và dự đoán xác suất thật của thông tin rò rỉ đó là cao hay thấp.
Đảm bảo rằng đó không phải là ảnh giả bằng cách tìm kiếm ngược ảnh đó trên Google.
Cuối cùng cố gắng truy ra nguồn tin gốc và xác định độ chính xác của ảnh bằng cách tìm hiểu các thông tin rò rỉ trước đây của nguồn tin này.
Gần đây anh cho đăng tải một đoạn tweet khá hài hước: "Tôi phải nói rằng 99% blogger và các nhà báo tự xưng không biết gì về rò rỉ".
Haha, thật ra tôi chia sẻ quan điểm này bởi tôi mệt mỏi với việc chứng kiến hầu hết những người đồng nghiệp của mình chia sẻ ảnh rò rỉ và các tin đồn hoàn toàn vô lý mà không hề tìm cách xác nhận xem chúng có đúng hay không. Các thông tin rò rỉ sẽ thu hút một lượng truy cập rất lớn, và điều này là một cám dỗ đối với nhiều blogger, tuy nhiên, việc truyền tải các thông tin chưa được xác thực sẽ làm hại site, và nhìn chung sẽ làm độc giả mất niềm tin vào thông tin rò rỉ.
Tôi không cần anh tiết lộ nguồn tin, nhưng muốn biết "trò chơi" rò rỉ này về bản chất là gì? Ảnh rò rỉ có phải là từ công nhân nhà máy, và vì sao họ gửi chúng cho anh hoặc đăng trên Weibo?
Trong hầu hết các trường hợp, những người chia sẻ ảnh họ làm vậy mà không cân nhắc điều đó có nên hay không. Mục đích của họ là để tạo ra một cuộc thảo luận bên trong một cộng đồng trên một diễn đàn hoặc mạng xã hội. Cũng có nhiều người rõ ràng muốn dùng các bức ảnh này để được nổi tiếng. Ngoài ra, các nhân viên trong các nhà máy khi gặp khó khăn trong việc sản xuất hoặc gia công thiết bị thường lên các diễn đàn để tìm kiếm sự giúp đỡ. Để minh hoạ cho chủ đề của mình, đôi khi họ đăng tải những bức ảnh lên mà không nghĩ tới viễn cảnh những người như tôi sẽ tìm ra chúng. Tôi muốn chỉ ra rằng, trái với những gì mọi người nghĩ, các rò rỉ trên Weibo thường là từ những nguồn khác.
">