Không thành công với chiếc smartphone cao cấp Bphone dường như không làm BKAV nản chí. Công ty vẫn tiếp tục tìm đường trở lại thị trường smartphone bằng thế hệ Bphone tiếp theo. Gánh nặng đang đè lên vai đội ngũ BKAV, bởi không chỉ giải bài toán cạnh tranh khốc liệt của thị trường smartphone Việt Nam, BKAV còn phải giải bài toán niềm tin của khách hàng sau màn ra mắt chưa thành công với chiếc Bphone đầu tiên.Bài học 4P cơ bản
Tháng 5.2015, BKAV lần đầu tiên giới thiệu smartphone Bphone với thị trường Việt Nam, một sản phẩm được thông tin là công nghệ Made in Vietnam gây xôn xao dư luận. Ngay từ thời điểm ra mắt, BKAV xác định Bphone là dòng sản phẩm cấp cao, có giá bán từ 10 triệu đồng trở lên.
Một quyết định táo bạo vì đây là sân chơi của Apple và Samsung, không nhiều hãng điện thoại có thương hiệu của nước ngoài tham gia. Trong khi đó, các hãng điện thoại Việt Nam như Mobiistar, Masscom hay gần đây nhất là Asanzo cũng chỉ tập trung vào phân khúc từ 2-5 triệu đồng.
Táo bạo hơn nữa, BKAV không thông qua các nhà bán lẻ và chỉ bán trực tuyến. Kinh doanh smartphone trực tuyến ở Việt Nam đã khá phổ biến cách đây 2 năm, Lazada Việt Nam lúc đó vẫn thường xuyên kết hợp với các hãng điện thoại như Lenovo, Alcatel... làm các chương trình giảm giá với số lượng có hạn. Nhưng mục đích chính của các hãng điện thoại là để làm thương hiệu hoặc thử nghiệm phản ứng của thị trường trước khi nhập về với số lượng lớn.
Thực ra, cách làm của BKAV không mới, đã có doanh nghiệp áp dụng và rất thành công. Đó là Xiaomi của Trung Quốc. Thời gian đầu thâm nhập thị trường, đơn vị này cũng bán hàng trực tuyến, chi phí thay vì đầu tư vào các nhà bán lẻ được Xiaomi giảm thẳng vào giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, khác với BKAV, Xiaomi thừa nhận là bản sao của Apple nên kiểu dáng rất giống các dòng sản phẩm iPad, iPhone, khác biệt là giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với đối thủ. Cũng phải nói thêm thương mại điện tử Trung Quốc phổ biến hơn Việt Nam rất nhiều.
Giờ đây, khi đã lớn mạnh, Xiaomi bắt đầu mở rộng sang nhiều thị trường lân cận và kết hợp với mô hình truyền thống. Tại Việt Nam, Xiaomi hợp tác với Digiworld để bảo đảm sản phẩm của họ được phân phối ở 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Bản thân ở Trung Quốc, Xiaomi cũng lên kế hoạch mở 200 điểm bán lẻ trong năm nay.
“Bản lẻ truyền thống mặt hàng công nghệ vẫn được ưa chuộng ở Việt Nam”, ông Wang Xiang, Phó Chủ tịch cao cấp của Xiaomi, nói. Vì thế, Bphone gặp khó khăn là điều có thể dự đoán trước. Cụ thể hơn, trong mô hình 4P, Bphone chỉ đáp ứng mỗi tiêu chí tiếp thị truyền thông (Promotion), giá (Price) cao, chất lượng sản phẩm (Product) cần thời gian kiểm chứng, kênh bán hàng (Place) hạn chế.
Không lâu sau đó, BKAV đã điều chỉnh chiến lược, kết hợp thêm các chuỗi bán lẻ, giảm giá 3 triệu đồng nhưng không cải thiện được tình hình. Thị phần Bphone sau gần 7 quý kể từ ngày ra mắt chưa từng được nhắc đến trong báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường như IDC hay GfK Việt Nam.
Thị trường thêm sôi động
Thành công lớn nhất của BKAV có lẽ là chiến dịch tiếp thị đã thu hút được dư luận, dù có nhiều quan điểm trái ngược. Chính vì thế, việc đánh tiếng trở lại thị trường lần này của BKAV nhận được khá nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh. Theo đó, Bphone thế hệ mới của BKAV sẽ có mặt tại hệ thống các chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động trên cả nước, ngay sau khi sản phẩm chính thức ra mắt.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy nguồn cảm hứng lớn khi hợp tác với BKAV trong việc ra mắt sản phẩm Bphone thế hệ mới, không chỉ bởi vì đây là một smartphone Việt đã gây được tiếng vang lớn mà còn bởi đội ngũ đầy năng lượng và tâm huyết với sản phẩm.
Chúng tôi hy vọng Bphone thế hệ mới sẽ thành công vượt mong đợi”. Còn ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV, cho biết: “Thỏa thuận hợp tác chiến lược này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dùng khắp cả nước tiếp cận và mua Bphone của BKAV”.
Rõ ràng, bắt tay với Thế Giới Di Động là bước đi nhiều lợi thế cho Bphone vì không chỉ tận dụng kênh bán hàng, mà Bphone còn tận dụng 1,5 triệu lượt khách hàng truy cập vào Thegioididong.com và Dienmayxanh.com mỗi ngày để quảng bá, tiếp thị...
Theo thông tin từ Thế Giới Di Động, Bphone 2 sẽ được bán với mức giá 8-10 triệu đồng trong tháng 8 tới. Thị trường smartphone Việt Nam chưa bao giờ ngừng sôi động, tạm thời trật tự trong bảng xếp hạng điện thoại nước ngoài sử dụng hệ điều hành Android được dẫn đầu bởi Samsung và Oppo với thị phần lần lượt là 42% và 20%, theo thống kê quý I/2017 của IDC Indochina.
Một nhân tố nổi bật mới tham gia thị trường là Xiaomi. Đơn vị này cho biết sẽ tập trung vào phân khúc dưới 5 triệu đồng để chiếm thị phần. Chiến lược sẽ kéo dài trong 2 năm.
Ở nhóm các hãng điện thoại Việt Nam, Mobiistar vẫn là cái tên kỳ cựu nhất. Như thường lệ, giữa tháng 5 vừa qua, Mobiistar ra mắt bộ đôi điện thoại mới nhất là Zumbo S2 và Zumbo J2 với mức giá lần lượt 3,7 triệu đồng và 2,7 triệu đồng.
“Mobiistar không phải là hãng tạo ra các trào lưu công nghệ, chúng tôi là những người đi theo trào lưu nhưng chúng tôi hiểu rõ khách hàng mình là ai, họ mong muốn điều gì và hầu bao như thế nào”, ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Điều hành Công ty, cho biết.
Việc chuyển mình và tồn tại của Mobiistar hơn 6 năm qua phụ thuộc rất lớn vào việc đưa ra quyết định đúng đắn, bắt kịp xu hướng thị trường. Các quyết định này có được, theo ông Kha, phần lớn là phản hồi từ những khách hàng thân thiết của hãng trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Một đại diện khác của Việt Nam là Asanzo. Với lợi thế am hiểu thị trường nông thôn, kinh nghiệm mở rộng đối tác bán lẻ và đội ngũ giao nhận được đầu tư nhưng đơn vị này cũng vẫn tập trung vào dòng điện thoại dưới 5 triệu đồng, cùng chiến lược lấy nông thôn vây thành thị. “Asanzo không muốn rủi ro”, ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo, nói.
Việc chọn phân khúc trên dưới 5 triệu đồng là có lý do, bởi theo IDC Indochina, sức hấp thụ smartphone ở thị trường Việt Nam trong quý I/2017 ở mức 214USD (khoảng 4,8 triệu đồng). Như vậy, có thể thấy việc tập trung vào phân khúc trung và cao cấp của BKAV lần này vẫn là mạo hiểm. Mặc dù vậy, BKAV được cho là đã thực tế hơn khi kết hợp với các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Bởi bán được hàng chưa quan trọng bằng dịch vụ bảo hành. Các hệ thống bán lẻ có quy mô lớn sẽ giúp khách hàng bảo hành sản phẩm dễ dàng hơn.
Về phần mình, BKAV phải đảm bảo linh kiện thay thế để việc sửa chữa không quá lâu. Không phải tự nhiên Oppo năm 2015 đầu tư rất mạnh vào hệ thống bảo hành. Lenovo luôn nhắc đến cái tên Hồng Quang để đảm bảo dịch vụ sửa chữa cho các sản phẩm smartphone Lenovo và Motorola ở Việt Nam.
Cuối cùng, với giá 8-10 triệu đồng, Bphone phải cho khách hàng cảm thấy cái được nhiều hơn so với số tiền bỏ ra. Nhìn chung, Bphone 2 có nhiều khả năng bán được hàng hơn so với Bphone thế hệ đầu nhưng để có chỗ đứng trên thị trường, BKAV còn phải đầu tư rất nhiều.
Theo Zing
" alt="Bphone tái xuất: Liệu sẽ thành công?"/>