Bà Chín trôi mất trong đại hồng thủy, không tìm thấy xác. Ngoại tôi thương nên nhớ hoài. Bà Chín chưa được hưởng niềm vui làm vợ, làm mẹ dù đã được hỏi cưới trước đó mấy tháng.Quê tôi hầu như nhà nào cũng có người trong gia đình hoặc họ hàng xa thiệt thân vì bão lụt. Ký ức về thiên tai là một phần không thể tháo bỏ trong đời tôi, không chỉ vì nhà mình từng có người mất, mà chính bản thân cũng từng suýt chết trên chiếc bè mùa lụt. Gió và nước bốn bề, chiếc bè tròng trành chở má con tôi trong trận lụt năm 1999 úp ngược khi bão thổi mạnh. Má tôi ngoi lên được, rồi má kéo tôi lên khi tôi đã uống no nước. Từ đó tôi sợ nước, ám ảnh với tin bão gần bão xa.
Người quê đã quen, năm nào đến mùa cũng dọn nhà, chèn ngói, chằng mái tôn để đón báo chờ lụt. Kỹ càng, phòng xa đến mấy cũng không thắng nổi thiên nhiên. Có những năm mái vẫn tốc, tường vẫn sập, chỉ chừa lại con người co ro, run rẩy giữa đống tan hoang, đổ nát.
Hai năm 1998, 1999 đều lụt to. Nhà tôi mái tranh, vách phên, bão về, cầm chắc sập, nhưng ngoại và má vẫn "bình tĩnh sống" vì đã nhắm nhà cậu Sáu ở phía trên - đã có tường gạch, lát xi-măng. Gió mạnh lên là sơ tán tới nhà cậu. Người làng bao năm nay đều thế, thiên tai tới là nhà nọ mở cửa đón nhà kia, nhà trên cao đỡ đần nhà dưới thấp.
Lớn lên tôi xa quê, vào miền Nam sinh sống - nơi này ít bão lụt hơn, những ký ức tưởng như đã xa bỗng hiện về ám ảnh trước những cảnh tượng đang diễn ra ở miền Bắc. Kinh hoàng nhất là vụ sạt núi, vùi lấp gần như cả một ngôi làng ở Lào Cai. Tôi nhìn hình ảnh chụp từ trên cao, cả một khoảng núi mênh mông như bị cứa làm đôi, há miệng nuốt hàng chục hộ dân với cả trăm con người, vào lòng đất. Không kịp chạy.
Lụt quê tôi nước dâng dần lên cao, vẫn còn thời gian đối phó, nhà nọ kịp dìu nhà kia. Còn sạt lở, lũ quét ở miền núi phía Bắc đường đột và khốc hại. Vợ chồng, cha con nằm cạnh nhau, tuột tay cũng người còn người mất.
Còn lại gì sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên?
Có người đàn ông chỉ còn lại một mình, mất cả mẹ, vợ và những đứa con. Có gia đình không còn ai cả. Có những người vô vọng trông chờ thi thể người thân - những phận người đắp lá chuối được khênh ra từ trên cáng.
Nước mắt đã cạn khô, lòng người héo quắt. Nhưng người còn vẫn phải đứng lên mà sống. Không gì bù đắp nổi nỗi đau mất người thân, nhưng sự chung tay trợ giúp của cộng đồng - từ bữa ăn no lòng, cái áo ấm thân những ngày trước mắt, cho tới vật lực để dựng lại cái nhà, sắm lại cái bếp về sau - sẽ phần nào an ủi, giúp cho cuộc sống bớt phần vất vả đi.
Tôi chưa từng nghi ngờ về tinh thần đùm bọc, san sẻ của người Việt. Sau những trận lụt, cả xã, thôn chung tay khắc phục bằng cách dọn phụ những gia đình bị nước ngập hay tốc mái, cây gãy đổ. Tiếp đến là cả làng cả xã được sự hỗ trợ từ thiện từ những chuyến xe ắp đầy tình người trên khắp đất nước.
Tôi nhớ nhà tôi những năm đó thường nhận về gạo, mì, cả đồ cũ, trong đó tôi thích nhất là chiếc chăn dày thay thế cái mền của nhà mình đã rách lỗ chỗ.
Trong những ngày này, trên các cung đường, hàng chục chuyến xe chở nhu yếu phẩm đang từ miền Nam, miền Trung tiến ra Bắc. Trên mạng xã hội, không biết bao nhiêu hội nhóm từ thiện đang kêu gọi ủng hộ, trợ giúp đồng bào với nỗ lực "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở". Chỉ tính riêng trong ngày 10/9, sau lễ phát động ủng hộ đồng bào của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, đã có hơn 400 tỷ đồng từ các cá nhân, cơ quan, đoàn thể... chung góp.
Nhưng tôi có chút băn khoăn về khả năng rối loạn của các đoàn từ thiện tự phát do thiếu kinh nghiệm và thiếu thông tin cụ thể.
Kinh nghiệm liên quan đến sự hiểu biết về thời điểm, tính chất của cứu nạn và cứu trợ; nhu cầu của đối tượng cần trợ giúp, khả năng thông thuộc địa bàn; kế hoạch, lịch trình và luồng đi của các tổ chức, đơn vị từ thiện... Tất cả sự thiếu thốn này phát sinh các vấn đề bất cập nhiều năm qua như: cứu trợ làm thay việc của cứu nạn (vốn yêu cầu phương tiện và nhân lực chuyên nghiệp), đồ cứu trợ không phù hợp, phải đổ bỏ, nơi thừa - chỗ thiếu cứu trợ...
Để tận dụng năng lượng của tình đồng bào, để nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, tôi nghĩ rất cần vai trò điều phối bao quát của Nhà nước. Một trung tâm điều phối nhanh có thể cần được thiết lập. Đơn vị này không trực tiếp nhận hỗ trợ, không can thiệp vào quyết định của các đoàn từ thiện, nhưng sẽ đảm nhận các công việc logistics không kém phần quan trọng như:
Xây dựng "bản đồ cứu trợ", trong đó thể hiện và cập nhật thường xuyên phạm vi, những thiết bị, nhu yếu phẩm cần hỗ trợ của từng khu vực, làm cầu nối giữa cung và cầu trong từ thiện, giúp phân phối nguồn lực hiệu quả.
Cung cấp kiến thức, kinh nghiệm tổ chức và các khảo sát ban đầu về địa bàn, tình trạng của các khu vực thiệt hại, trở thành trung tâm tham khảo, hướng dẫn cho các đoàn từ thiện.
Cập nhật luồng đi - đến của các đoàn từ thiện khác nhau, nhằm phân phối đều hơn nguồn hàng cứu trợ.
Cuối cùng, lực lượng này có thể giúp xây dựng một "trạm thông tin" để các tổ chức từ thiện công bố, minh bạch các khoản thu chi.
Từng kêu gọi, tổ chức các hoạt động từ thiện, tôi nhận ra rằng, các đoàn cứu trợ thường không thiếu tiềm lực vật chất, họ thiếu thông tin và kinh nghiệm. Cùng lúc nhiều đoàn từ thiện gặp tình trạng đó sẽ có thể gây rối loạn trên quy mô lớn. Đoàn cứu trợ cũng cần được cứu trợ.
Tình người vẫn luôn là một biệt dược đặc trị nỗi đau và sự vô cảm. Và "còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây" - nguồn lực xã hội phát huy hiệu quả sẽ khiến cho vết thương chóng lành, mầm xanh chóng sống dậy.
Lưu Đình Long
" alt="'Cứu trợ' đoàn cứu trợ" width="90" height="59"/>