24 đại diện của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM thuộc 4 nhóm: nhóm các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp (trung tâm ươm tạo và chương trình tăng tốc), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các startup ở nhiều giai đoạn khác nhau và các nhà báo, kể cả nhà văn có liên quan cũng được mời dự với tư cách chuyên gia.
Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi lần đầu tiên cùng lãnh đạo các ban ngành đã có cuộc gặp gỡ với 24 đại diện của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, sáng 28/3. Ảnh: Thuận Văn Từng viết nhật ký innovation (đổi mới, sáng tạo) của thành phố từ nhiều năm nay dưới sự chủ quản của Sở KH&CN TP.HCM cho tới khi chuyển sang làm viện trưởng viện trí tuệ nhân tạo Gemini của Google, tôi có hơi bất ngờ khi được giao làm điều phối. Yêu cầu với startups: không quảng cáo, không than phiền, không xin chủ trương gì cho riêng mình và đặc biệt là không nói dài, nếu không sẽ bị mất lượt. Và bí thư thích điều này: "Nói ngắn đòi hỏi suy nghĩ lựa chọn cẩn thận hơn để cô đọng hơn".
Qủa thật, ai cũng có tiếng nói của mình trong 90 phút chia sẻ. Như nhà giáo Giản Tư Trung nói trong phần đề dẫn: "Khởi nghiệp là một cơ hội để tư duy lại kinh doanh: Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm,dịch vụ tốt lành của mình", các doanh nghiệp khởi nghiệp đều tập trung đưa ra các sáng kiến, giải pháp, bài học kinh nghiệm của các nước để làm sao khởi nghiệp ở TP.HCM đạt được đúng tầm vóc và vị thế của mình.
Chẳng hạn, bà Tú Ngô của Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone đề xuất thành lập những Green Innovation Hub, tập hợp các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp và các bên liên quan với nhau. Mô hình quản lý theo kiểu hợp tác công – tư này được kỳ vọng sẽ giúp cho việc giải quyết khâu thủ tục hành chính, các giấy phép con liên quan đến ngành nghề hoạt động, hoặc các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang giải pháp xanh về trong nước dễ dàng hơn...
Ông Nguyễn Văn Nên trò chuyện với ông Võ Trần Đình Hiếu, Quỹ đầu tư Khởi nghiệp VIISA. Ảnh: Thuận Văn Hay như ông Đỗ Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc AI Education thì mong muốn TP.HCM là nơi tiên phong ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với tầm nhìn là nơi quy tụ tinh hoa công nghệ EdTech thế giới, và đồng thời xây dựng, nuôi dưỡng một hệ sinh thái EdTech Make in Việt Nam có đủ năng lực tiến ra toàn cầu. Việc này tương tự các nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Indonesia, Singapore khi đã giải quyết được bài toán giáo viên số, thiết bị trong lớp học (1 học sinh 1 thiết bị), chính phủ các nước sẽ hỗ trợ nuôi dưỡng hệ sinh thái EdTech của chính mình, và đồng thời khuyến khích các EdTech phát triển thị trường sang các nước khác (rất nhiều EdTech từ Singapore đã sang nhòm ngó thị trường Việt Nam).
Ông Bùi Quang Minh, thường gọi là Minh Beta thì đề cập nhiều đến công nghiệp văn hoá. Theo đó, thành phố có thể nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số...
Bí thư ngồi nghe và ghi chép, thỉnh thoảng trao đổi nhỏ với chủ tịch thành phố và giám đốc Sở KH&CN. Trong phần chia sẻ của mình, ông Nguyễn Văn Nên dẫn ra nhiều luận điểm về chính sách và việc làm của chính quyền đang nỗ lực cho việc hoàn thiện hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố. Tiếp nối thông điệp của nhà giáo Giản Tư Trung, bí thư cho rằng cần xác định giá trị nền tảng, cốt lõi khi khởi nghiệp, coi đây giống như la bàn định hướng của mỗi startup.
Chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp, bí thư Nên nói: "Anh chị em khởi nghiệp ai cũng có phần chọn một từ để nói về khát vọng khởi nghiệp mà sao tôi không được chọn. Tôi xin chọn từ Kỷ - trong kỷ cương, kỷ luật. Làm gì cũng vậy, đặc biệt là làm khởi nghiệp, thì chữ Kỷ này là vô cùng quan trọng...”
Khát vọng “không gian an toàn"
Áp lực về thời gian trình bày làm cho các đề xuất trở nên ngắn gọn, và đa phần đều xoay quanh khái niệm quan trọng nhất của chính sách khởi nghiệp: sandbox.
Với khởi nghiệp trên thế giới, sandbox là một hệ thống chính sách tiên phong cho phép “thử và sai".
Liệu TP.HCM, với Nghị quyết 98 về cơ chế đặc biệt của Quốc hội đã thông qua, trao quyền nhiều hơn cho lãnh đạo địa phương, có thể tạo ra một “sandbox” cho khởi nghiệp được thực hiện những phát kiến, đột phá của mình mà không nơm nớp lo sợ bị thổi còi?
Chẳng hạn, cuộc gặp có đầy đủ ba “ông xe điện" lớn nhất hiện nay là XanhSM, Selex và Datbike. TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motor kiến nghị TPHCM chuyển 1 triệu xe xăng thành xe điện, ưu tiên lĩnh vực vận tải, thực hiện trong 5 năm tới. Trong 5 năm khởi nghiệp, startup của ông Nguyên làm chủ công nghệ sản xuất xe máy điện với tỷ lệ nội địa hóa 80%. Với mục tiêu ứng dụng công nghệ Việt vào chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông, ông Nguyên mong muốn thành phố xây dựng 1.000 trạm sạc trên địa bàn và có các cơ chế hỗ trợ việc này. Cơ chế tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xe điện vay vốn cũng là một điểm có thể thử nghiệm. Hiện các doanh nghiệp này gặp khó vì các ngân hàng chưa có mô hình tài chính cho xe điện, chưa xây dựng định giá mặt hàng này.
Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc tài chính và vận hành DatBike tin rằng để thực sự chuyển đổi xanh, thành phố cần có chính sách tiên phong về thuế phí để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển sang xe điện…
Sandbox - bắt đầu từ sự lắng nghe và thấu hiểu
Đề xuất thử nghiệm xe máy điện không phải là mới, bởi Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng đã chính sách hỗ trợ người dân sử dụng xe điện tại huyện Cần Giờ với các hỗ trợ về tiền, lãi suất, giảm phí đăng ký, cấp biển số khi chuyển sang sử dụng xe điện. Có lẽ, lần này câu chuyện được trình bày “chính chủ" và thuyết phục hơn.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và TP.HCM tham quan gian hàng xe điện của Vinfast tại Techfest. Ảnh: Hà An Bí thư thành uỷ bày tỏ việc sẽ dành thời gian để nghe kỹ hơn kiến nghị.
Tiếp tục phần góp ý về việc xây dựng quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, ông Phạm Nam Phong – Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group trao đổi về quy hoạch với tầm nhìn dài hạn hạ tầng năng lượng xanh cho chuyển đổi giao thông xanh. Để hướng đến trung hòa carbon, đây là hai lĩnh vực TP.HCM cần tập trung, bởi vì lượng phát thải từ năng lượng cố định và giao thông chiếm đến hơn 93% trong tổng lượng phát thải của thành phố.
Ông Phong lưu ý, công nghệ sạc xe điện hiện nay có công suất 300-400 kW và các nước đang chạy đua công suất lên cả nghìn kW. Chính vì vậy, nếu hạ tầng về nguồn cấp, truyền tải điện không đáp ứng thì việc chuyển đổi sang giao thông xanh rất khó. Ông Phong cũng góp ý TP.HCM về việc tận dụng các nguồn lực từ quốc tế và áp dụng nền tảng đo lường giảm phát thải chuẩn quốc tế, từ đó có thể kiểm kê lượng giảm phát thải để xét duyệt cấp và trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn thu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi xanh, tiến đến Net-Zero…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: 6 điểm cơ bản phải làm
Chuẩn bị hệ thống hạ tầng, có kế hoạch quy hoạch những khu đặc biệt, khu công nghệ cao dành cho cộng đồng khởi nghiệp.
Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn cụ thể.
Chinh sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vượt trội
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh.
Có cơ chế hợp tác, phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa các bên, giữa doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo, nhà nước…
" width="175" height="115" alt="Bí thư Thành ủy TPHCM chọn một từ chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp" />