Phạm Ngọc Thạch, vị bác sĩ tài hoa đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp y tế của đất nước. Nhưng cũng ít ai biết được rằng, chính ông và gia tộc Phạm Ngọc từng góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của đô thị Phan Thiết, Bình Thuận.
Tuổi thơ của bác sĩ
Theo tư liệu lịch sử, ngày 1/7/1909, triều đình Huế bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy) làm tri huyện Bình Khê.
Trước khi lên đường nhậm chức, ông Nguyễn Sinh Huy đã gửi Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho người bạn thân của mình là giáo học Phạm Ngọc Thọ, một giáo viên trường Pháp Việt ở Quy Nhơn, để nuôi nấng và dạy dỗ kiến thức.
|
Giáo học Phạm Ngọc Thọ, cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. |
Khi ấy vợ chồng thầy giáo Thọ cũng vừa sinh hạ người con trai đặt tên là Phạm Ngọc Thạch được hơn một tháng. Thương con bạn như con trai mình, giáo học Phạm Ngọc Thọ đã cùng dạy dỗ Nguyễn Tất Thành (lúc này 19 tuổi) và Phạm Ngọc Thạch.
Mùa thu năm 1910, từ biệt đồng nghiệp và người thân tại Quy Nhơn, gia đình giáo học Phạm Ngọc Thọ vào Phan Thiết.
Mặc dù xuất thân là dòng dõi quý tộc (cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh) nhưng bà Công Tôn Nữ Thị Cẩn Tín vẫn thủy chung theo chồng, một ông giáo nghèo yêu nghề đi khắp nơi dạy học theo sự điều động của chính quyền thuộc địa.
Ẵm trên tay đứa con trai mới hơn 1 tuổi, tay dắt 2 đứa lớn hơn nhưng chỉ mới bi bô, bà cùng chồng vào nhận nhiệm sở. Ai cũng thương cho hoàn cảnh của gia đình ông giáo. Vợ chồng ông giáo Thọ được cấp một căn hộ nhỏ trong khu tập thể phía sau trường.
Hằng ngày thầy Thọ lên lớp dạy cho học sinh xứ biển những ngữ âm đầu tiên của ngôn ngữ Pháp. Bà Cẩn Tín ở nhà cậy nhờ người quen trong trường giới thiệu để nhận đồ nữ công gia chánh về thêu thùa may vá, kiếm thêm tiền nuôi các con.
|
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thời trẻ. |
Thương cha mẹ vất vả và có lẽ hợp với khí hậu của vùng biển mặn Phan Thiết, cậu bé Phạm Ngọc Thạch chẳng bệnh tật gì và càng lớn càng tỏ ra thông minh, sáng dạ. Chiều nào cậu bé Ngọc Thạch cũng đòi ba dẫn ra biển Thương Chánh tắm để rèn luyện sức khỏe.
Cũng như anh chị của mình, Ngọc Thạch được cha mẹ cho tiếp cận với tiếng Pháp từ rất sớm và giáo dục kỹ về các vấn đề xã hội, bởi vậy khi trở thành học sinh chính thức của Trường Sơ học Pháp Việt Phan Thiết, Phạm Ngọc Thạch luôn là học sinh dẫn đầu tiêu biểu của trường.
Năm 1917, Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi lấy bằng lấy Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire) tại Trường Sơ học Pháp Việt Phan Thiết. Khi đó Ngọc Thạch vừa tròn 8 tuổi và đã sống tại Phan Thiết được 7 năm.
Trước đó, năm 1912, ông nội của Phạm Ngọc Thạch là ông Phạm Ngọc Quát, trước đó là quan án sát Khánh Hòa rồi Tuần vũ Hà Tĩnh, được triều đình Huế điều chuyển vào làm Tuần vũ Bình Thuận. Bởi vậy, gia đình Phạm Ngọc Thạch chuyển về ở cùng ông bà nội ở khu Xóm Tỉnh thuộc Phú Tài - Đại Nẫm (Hàm Thuận, Bình Thuận).
Do chương trình giáo dục công lập tại Phan Thiết khi đó chỉ hết bậc sơ học nên cha mẹ và ông nội đành gạt nước mắt gửi Phạm Ngọc Thạch và chị gái ra Thanh Hóa học tiếp chương trình tiểu học.
Đi tìm khu mộ cổ dòng họ Phạm
Từ những thông tin về thời niên thiếu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở Phan Thiết, chúng tôi tìm đến khu vực xóm cây Chanh xưa, nay là khu dân cư Kênh Bàu, phường Xuân An, TP Phan Thiết để hỏi thông tin về khu mộ của ông bà nội bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Đến khu dân cư Kênh Bàu chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy một khu nhà có biển đề “Nhà tưởng niệm họ Phạm” được xây dựng khang trang, to đẹp như một ngôi chùa nằm gọn gàng trong khu dân cư này.
Khu nhà tưởng niệm họ Phạm có diện tích khoảng 500 m2. Gồm 2 phần, nhà tưởng niệm và khu mộ cổ.
Trong khu mộ có 4 ngôi mộ gồm mộ ông Phạm Ngọc Quát và mộ phần ba bà vợ của ông nằm xung quanh. Các bia mộ đều viết bằng chữ Hán và có khắc các câu đối dành cho những người là quan lại của triều đình.
Bên cạnh khu mộ, gia tộc họ Phạm đã xây dựng một ngôi nhà tưởng niệm. Bên trong nhà tưởng niệm có thờ Phật và để bài vị thờ các thành viên của gia tộc Phạm Ngọc từ thủy tổ đến các người thân, anh em, con cháu của nhân vật trung tâm là quan Lễ bộ thượng thư Phạm Ngọc Quát.
Trong đó có bài vị thờ cha mẹ, anh chị em và di ảnh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở hàng dưới cùng.
Điều bất ngờ là cũng từ nhà tưởng niệm này mà chúng tôi mới biết được thêm nhiều nhân vật nổi tiếng ở Bình Thuận xưa là thành viên của gia tộc họ Phạm.
Ông Phạm Ngọc Quát sinh vào năm Tự Đức thứ 9 (năm 1856). Tuy không xuất thân từ dòng dõi quý tộc và khoa bảng nhưng ông đã được triều đình Huế bổ nhiệm nhiều nhiều chức vụ quan trọng. Chức vụ cao nhất và cuối cùng trước khi ông về hưu là Lễ bộ thượng thư của triều đình.
|
Mộ phần Phạm Ngọc Quát. |
Giai đoạn ông Phạm Ngọc Quát làm tuần vũ Bình Thuận là giai đoạn từ 1912 đến 1915. Giai đoạn này ông Phạm Ngọc Quát cũng được bổ nhiệm đồng thời là thành viên Hội đồng phân định ranh giới Nam Kỳ và Trung Kỳ của chính quyền thuộc địa Pháp.
Năm 1912, khi là tuần vũ Bình Thuận, nhận thấy vùng đất này hiền hòa, khí hậu và cuộc sống không khắc nghiệt như những nơi khác, chính quyền thuộc địa đã xác định tập trung phát triển Phan Thiết thành một trong những đô thị quan trọng nhất của Trung Kỳ.
Mặt khác con trai ông là giáo học Phạm Ngọc Thọ và gia đình cũng đang sinh sống ổn định tại Phan Thiết nên ông Phạm Ngọc Quát đã quyết định đưa gia đình và một số người bà con thân thiết của mình về Bình Thuận định cư.
Sau khi về hưu, từ Huế ông vào Bình Thuận sinh sống với gia đình và mất năm Bảo Đại thứ tư (năm 1929).
|
Nhà tưởng niệm gia tộc họ Phạm. |
Hiện, phần mộ của ông được chuyển đến khu xóm Cây Chanh (tức khu dân cư Kênh Bàu ngày nay) và được cải táng trên phần đất của một người bạn thân ông.
(Còn nữa)
Đại gia mù lấy 3 vợ, xây biệt thự to nhất phố biển Phan Thiết
Ở Phan Thiết, vào cuối thế kỷ 20, ai cũng biết hoặc nghe nói đến rạp hát Hồng Lợi và ngôi biệt thự mang kiến trúc Pháp rất đẹp tại đường Phan Chu Trinh. Nhưng ít ai biết, chủ nhân của nó là một người đàn ông mù.
">