|
Chị Nguyễn Kim Ngọc |
Chị Ngọc kể, khi bé Phúc 6 tháng tuổi, chị phát hiện con vẫn chưa thể ngồi. Lo lắng con phát triển khá chậm so với cột mốc vận động của một đứa trẻ bình thường, chị đưa con đi khám thì được bác sĩ kết luận con bị bại não.
Cầm tờ kết quả trong tay, anh Luận chỉ biết ôm vợ. Chị Ngọc không dám tin, cũng không muốn tin vào sự thật. Cảm giác tuyệt vọng như có ai đó vừa đẩy mình xuống vực thẳm. Chị tự chất vấn bản thân đã làm gì sai mà biến cố khủng khiếp này lại rơi vào chính gia đình mình, rơi vào đứa con chỉ vừa vài tháng tuổi. Nhìn con trai bé xíu xiu mà phải chịu bạo bệnh, chị Ngọc cứ buồn, rồi khóc.
Đến năm con 3 tuổi, người mẹ này mới dần chấp nhận sự thật con bị bại não do ngạt khi chào đời, dẫn đến biến chứng tổn thương não. Chị nói với chồng, bằng mọi giá phải cho con một cuộc sống an yên.
Cùng với việc đưa con đi khắp nơi trị bệnh, vợ chồng chị Ngọc cũng cố gắng dành thời gian cuối tuần đưa con đi chơi. Chị rơi nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc dẫn con ra ngoài nhưng lại nhận được ánh nhìn soi mói của những người xung quanh. "Có người nói với tôi, bé bị như vậy mà còn bế đi chơi cầu trượt làm gì?”, chị Ngọc nghẹn ngào kể.
|
Anh Nguyễn Công Luận rưng rưng khi nhớ lại quãng thời gian đã qua. |
Đưa con về nhà, chị Ngọc cùng chồng cố gắng quên đi mọi ánh mắt ấy, quyết tâm mang lại cho con một cuộc sống bình thường, vui vẻ như bao người.
Chị nói, lúc con 6 tháng đến 6 tuổi là khoảng thời gian cùng cực nhất của gia đình. Vì ngoài bại não, con trai chị còn bị nhiều bệnh khác như: Viêm phổi, viêm phế quản hay tiêu chảy…
Bé Phúc cũng không thể tự ngồi được. Chị Ngọc phải dùng dây vải buộc con vào chiếc ghế nhựa để con tập chơi game trên máy tính. Anh chị cũng mua cho con chiếc điện thoại đầu tiên trong đời để bé luyện ngón tay khi bấm trên các phím chữ, số. Chị mua một chiếc xe tập đi dành cho trẻ em, buộc con lên xe để luyện cho đôi chân hoạt động.
Chuyện ăn uống của con cũng là cả một vấn đề và hầu như tuần nào, chị cũng phải bế con đi gần 50km từ Long An đến TP.HCM để con nhập viện điều trị. "Thời gian đó, vợ chồng tôi lấy bệnh viện làm nhà. Nhiều khi, hai vợ chồng cũng chỉ gặp nhau lúc thay ca chăm con", chị Ngọc xót xa nói.
Đang là giáo viên của một trường dạy nghề gần nhà, vợ chồng chị đành nghỉ dạy, tập trung nhiều thời gian cho con. Anh chị gom hết tiền tiết kiệm, mua máy tính, mở lớp dạy Tin học ở nhà. Chị Ngọc cho biết, hai vợ chồng cùng chuyên môn nên có thể thế vị trí cho nhau, cứ anh ở nhà thì chị ở viện cùng con và ngược lại.
Cứ như vậy, vợ chồng anh Luận nương tựa vào nhau. Người kiếm tiền, người vào bệnh viện chăm con. Tranh thủ thời gian ở bệnh viện, chị Ngọc còn tự mày mò tập làm hoa thủ công để bán. Chị cũng làm bất cứ việc gì kiếm ra tiền để lo cho con.
|
Vợ chồng anh Luận - chị Ngọc. |
Hạnh phúc đến muộn
Năm Phúc lên 6, gia đình chị Ngọc hay tin Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu rất tài tình vì vậy hai vợ chồng gom hết tiền bạc để anh Luận đưa con ra Hà Nội cứu chữa.
Điều trị suốt 10 ngày liền tại Bệnh viện Châm cứu Trung Ương, Phúc hoàn toàn kiệt sức, không ăn uống được. Anh Luận quyết định đưa con về nhà vì lo con không chịu đựng nổi. Chị Ngọc nhớ mãi cảnh đi đón chồng và con ở sân bay, bố cõng con trên lưng, tay kéo va li. Phúc không nhận ra mẹ vì quá mệt mỏi và đau đớn.
Được mẹ dạy cho sử dụng máy vi tính trước đó, vì vậy, sau khi ra Hà Nội về 3 ngày, Phúc khiến cả gia đình hoàn toàn bất ngờ khi đánh được dòng chữ: “Mẹ ơi, Hà Nội có hội nghị APEC” trên máy vi tính. Sau đó, mỗi lần được ra đường chơi, Phúc nhớ toàn bộ bảng hiệu, tên đường và số điện thoại. Về nhà, em mở trang word gõ lại những gì nhìn thấy trên đường cho bố mẹ đọc. Nhìn con, vợ chồng chị Ngọc mừng rơi nước mắt.
"Vì sức khỏe của con, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dạy chữ cho cháu. Vậy mà, con tự mình biết hết mọi thứ", giọng chị Ngọc hạnh phúc.
|
Bé Phúc và em gái. |
Năm nay Phúc 21 tuổi, sống rất tình cảm, hay vỗ về, an ủi mẹ mỗi khi mẹ “mít ướt”. Phúc cũng đã đã tự mày mò tìm hiểu để có thể sử dụng máy vi tính rất thành thạo và rất giỏi tiếng Anh.
Chàng trai này viết truyện và từng đạt giải bài viết ấn tượng nhất trong cuộc thi viết về Doraemon. Anh còn dựng clip cho CLB Gia đình siêu nhân và tìm được niềm yêu thích trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình khi lập một hội nhóm chuyên review phim.
“Mặc dù con “dặt dẹo” như vậy thôi, nhưng lên mạng xã hội con trở thành một người khác hoàn toàn”, chị Ngọc nói đầy tự hào.
Hạnh phúc hơn khi vợ chồng chị sinh con gái thứ hai khỏe mạnh, hiểu chuyện, biết giúp đỡ ba mẹ và anh trai. Người mẹ này cho biết, đã 21 năm trôi qua kể từ ngày con trai chào đời, nhưng đối với chị mọi chuyện cứ như vừa xảy ra. Mỗi lần nghĩ về hành trình cùng con vượt qua số phận, chị không nén được cảm xúc.
Hoàng Phúc cho rằng, không có gì quý hơn gia đình - bà ngoại, bố mẹ và em Phương, những người vẫn đang cùng mình chiến đấu với căn bệnh bại não. Nhìn con, vợ chồng anh Luận tự nhủ phải sống mạnh mẽ, học cách bằng lòng với sự thật để con trai tự tin trên bước đường đời.
Xem thêm video: Khu vườn ‘kỳ hoa dị thảo’ độc nhất vô nhị của lão nông Sài Gòn
Tú Anh
Ảnh: Cắt từ video
Chồng bỏ nhà đi 30 năm, vợ âm thầm giúp tìm lại gia đình
Biết chồng thương nhớ quê hương, gia đình sau hàng chục năm xa cách, chị Đông đã kết nối với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để giúp anh tìm về nguồn cội.
" alt=""/>Gia đình Long An nuôi con bại não thành người thạo vi tính, giỏi ngoại ngữ