Những khu đô thị "ma" tại Hà Nội. (Ảnh: Thạch Thảo) “Nhiều khu đô thị có căn nhà, biệt thự được xây dựng rồi bị bỏ hoang do không gắn với hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từ điện, nước tới dịch vụ chỗ ở... Các khu nhà mới này đáp ứng được cung nhưng không đáp ứng được cầu, đặc biệt nhiều khu được xây chưa phù hợp với đời sống của người dân. Hơn nữa, nhiều nơi có giá thành cao, không phù hợp với thu nhập trung bình của người dân.
"Nhiều dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc phát triển quá "nóng", thiếu tính toán đánh giá về hiệu quả của các chủ đầu tư. Tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng, năng lực của các chủ đầu tư cùng những vướng mắc chồng chéo về thủ tục hành chính... đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình thực dự án” - ông Hải phân tích.
Nhìn từ góc độ pháp lý, vị Cục trưởng cũng đánh giá, nhiều dự án do vướng mắc về pháp lý nên dở dang. Nhiều dự án thuộc diện phải thu hồi, nhưng còn vướng mắc do cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư còn chưa thực sự rõ ràng...
Bên cạnh đó, còn do yếu tố đầu cơ. Sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư chỉ được quyền quản lý bên ngoài công trình, không được can thiệp vào việc quản lý, sử dụng của chủ nhà. Rất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án khu đô thị là nhà thứ hai hoặc chủ yếu do đầu cơ, chưa phải là nhu cầu ở thực...
“Tình trạng trên cho thấy việc gây lãng phí rất lớn về đất đai và tiền của, cản trở sự phát trển của đất nước cần sớm được xử lý”, ông Hải nhấn mạnh.
Rà soát dự án trên cả nước, doanh nghiệp cần giảm giá nhà
Để khắc phục hạn chế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã có kiến nghị và yêu cầu, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát tất cả các dự án trên địa bàn gặp khó khăn, vướng mắc về việc triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, thống kê các dự án khu đô thị để lãng phí đất đai, không người ở, không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Đồng thời, rà soát các dự án gặp rắc rối về thủ tục pháp lý đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm, sớm triển khai lại.
“Bộ Xây dựng sẽ đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát tất cả các dự án trên địa bàn. Ngoài ra, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, rà soát quỹ đất, danh mục dự án. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường” - ông Hải thông tin.
Dự án chậm tiến độ, người dân mòn mỏi chờ nhà. (Ảnh: Minh Hoàng) Vị này cũng nhấn mạnh việc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án không sử dụng vốn ngân sách có sử dụng đất, không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Đặc biệt, cần đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và có kế hoạch, lộ trình để khắc phục các vi phạm.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đề nghị khẩn trương, chủ động tái cơ cấu lại sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, nhất là xã hội.
Cũng như thực hiện giảm giá bán, giá cho thuê bất động sản, giãn việc nộp tiền thuê của khách hàng, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn...
Hơn 3 tháng, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa phản hồi báo VietNamNet
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu” dở dang VietNamNet đã thông tin trong tuyến bài "Hồi sinh những dự án đắp chiếu" như dự án Sky Garden Định Công, Hanoi Time Tower, Athena Complex Pháp Vân, tháng 12/2023, VietNamNet đã có công văn gửi Sở Xây dựng TP. Hà Nội nêu lên phản ánh, kiến nghị của người mua nhà.
Tại công văn này, VietNamNet đặt vấn đề với Sở Xây dựng TP. Hà Nội về giải pháp xử lý các dự án chung cư, khu đô thị đầu tư xây dựng dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, người mua nhà chờ đợi trong vô vọng, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, nguồn cung trong vài năm qua hạn chế... Bên cạnh đó, ý kiến của cơ quan quản lý về việc mua bán nhà ở trong tương lai.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng với nhiều lần liên hệ, báo VietNamNet vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía Sở Xây dựng TP. Hà Nội.
">