Vào ngày 25/3 vừa qua, Facebook đã thừa nhận họ bắt đầu tải lịch sử cuộc gọi và tin nhắn trên điện thoại Android của Google từ năm 2015 - lần đầu tiên thông qua ứng dụng Messenger và sau đó là qua một tùy chọn trong Facebook Lite, phiên bản rút gọn của Facebook. Facebook cho biết thêm họ chỉ thu thập những thông tin này khi người dùng cho phép, và Facebook không thu thập nội dung của các tin nhắn hay cuộc gọi, người dùng có thể bỏ tùy chọn thu thập dữ liệu và xóa các bản ghi đã lưu bằng cách thay đổi cài đặt ứng dụng.
Facebook không trả lời cụ thể nhiều câu hỏi về vấn đề này. Sự việc đầu tiên được trang Ars Technicađưa ra, sau một tuần hỗn loạn với scandal về dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook bị tiếp cận.
Có một lý do khiến hành vi của Facebook chỉ xảy ra với điện thoại Android. Apple kiểm soát rất chặt chẽ các ứng dụng, nâng cao sự bảo mật riêng tư cho người dùng iPhone. "Cách tiếp cận cơ bản của Apple là thu thập thật ít thông tin người dùng, và người dùng sẽ kiểm soát thông tin", Rich Mogull, CEO của công ty bảo mật Securosis, cho biết.
Nhưng Android thì khác.
Trên thực tế, cho đến gần đây, Google cho phép các nhà phát triển ứng dụng truy cập vào các cuộc gọi và nhật ký tin nhắn trên điện thoại. Tất cả những gì họ cần là một ứng dụng yêu cầu truy cập vào danh bạ người dùng. Một khi người dùng đồng ý, Android cũng sẽ cấp quyền truy cập vào các lịch sử liên hệ này.
Bắt đầu vào năm 2012 khi phát hành "Jelly Bean", Android sẽ thông báo cho những người cài đặt các ứng dụng rằng họ cũng cho phép các ứng dụng truy cập vào nhật ký cuộc gọi và tin nhắn, nhưng vẫn yêu cầu họ đồng ý tất cả các quyền đó. Từ chối yêu cầu có nghĩa là người dùng không dùng được các ứng dụng đó.
Cho đến năm 2015 khi Google phát hành Android 6.0, "Marshmallow", điện thoại Android cuối cùng đã chia nhỏ các quyền. Nghĩa là người dùng có thể đồng ý chia sẻ địa chỉ liên hệ, nhưng từ chối truy cập vào lịch sử tin nhắn và điện thoại của họ.
Cũng trong năm đó, Facebook cho biết các ứng dụng của họ bắt đầu thu thập thông tin này. Nhưng nhiều người dùng Android không sử dụng phiên bản hệ điều hành mới nhất. Trong thực tế, họ thường không thể dùng bản mới nhất ngay cả khi họ muốn.
Apple sở hữu cả phần mềm và phần cứng cho iPhone, cho phép cập nhật phiên bản iOS mới theo ý thích. Ngược lại, Google phần lớn phải dựa vào cả nhà cung cấp dịch vụ di động và các nhà sản xuất phần cứng khi phân phối các phiên bản Android mới.
Hiện có gần 20.000 mẫu điện thoại Android đang được sử dụng, và các nhà mạng đều muốn điều chỉnh phần mềm để đảm bảo rằng nó sẽ hoạt động trơn tru nhất có thể trên mạng lưới của họ. Vì thế, các phiên bản Android mới rất khó tiếp cận người dùng.
Tính đến tháng Một, khoảng 65% người dùng iPhone đang sử dụng phần mềm iOS mới nhất, được giới thiệu vào năm 2017. Trong khi đó chưa đến 1% thiết bị Android đang sử dụng phiên bản Android mới nhất, được gọi là "Oreo".
Chỉ hơn 50% người dùng Android đang sử dụng hai phiên bản hệ điều hành đời trước đó, cho phép họ từ chối việc chia sẻ nhật ký cuộc gọi và tin nhắn. Tháng 10 năm ngoái, Google bắt đầu buộc tất cả các ứng dụng tuân thủ quy tắc mới khi phát hành bản cập nhật, ngay cả các điện thoại chạy phiên bản Android cũ hơn.
Tất cả sự việc trên để lại hai câu hỏi lớn chưa được giải đáp. Tại sao Google thiết lập quyền truy cập Android theo cách này? Và có bao nhiêu ứng dụng đã lợi dụng thiết lập đó?
Các chuyên gia và các nhà bảo vệ quyền riêng tư cho biết câu trả lời của câu hỏi đầu tiên có lẽ liên quan đến mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của Google, giống như Facebook, phụ thuộc vào việc thu thập thông tin chi tiết về người dùng để nhắm đến các quảng cáo phù hợp. Apple, trong khi đó, thu được lợi nhuận từ việc bán các thiết bị và dịch vụ như Apple Music.
Một yếu tố khác có thể xảy ra: Android phải chạy theo Apple trong nhiều năm và rất muốn thu hút các nhà phát triển ứng dụng, để ngang bằng với App Store của Apple. Một số nhà phát triển ứng dụng có thể nhận thấy quyền truy cập lớn vào dữ liệu người dùng trên Android thật hấp dẫn – giống như Facebook chẳng hạn.
Các chuyên gia nói rằng không rõ liệu các ứng dụng khác có như Facebook, theo dõi lịch sử cuộc gọi và tin nhắn, nhưng điều đó là rất có thể.
Bob O'Donnell, nhà phân tích của Technalysis Research cho biết: "Theo nhiều cách, Facebook chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Có rất nhiều ứng dụng khác đang thu thập dữ liệu như thế này".
Chưa rõ cho đến nay có bao nhiêu ứng dụng đã truy cập vào nhật ký cuộc gọi hoặc có bao nhiêu nhật ký cuộc gọi của người dùng đã được gửi đến các nhà phát triển ứng dụng. Về việc này, người phát ngôn của Google đã từ chối bình luận.
Thêm vào đó, một nhà sản xuất điện thoại Android lớn đã bày tỏ sự không chắc chắn về vai trò của mình trong việc bảo vệ sự riêng tư của người dùng. LG Electronics cho biết trong một tuyên bố:"Vào thời điểm này, bản chất của việc vi phạm dữ liệu rất không rõ ràng, vì vậy rất khó để đưa ra nguyên nhân hoặc giải pháp".
" alt="Tạo sao Facebook thu thập nhật ký cuộc gọi, SMS người dùng Android, mà không phải iOS?" width="90" height="59"/>