Mới đây, chia sẻ "điện thoại di động ảnh hưởng đến cả một thế hệ" của chị Nguyễn Hồng Vân, thạc sĩ Xã hội học nhận được sự hưởng ứng của nhiều bậc phụ huynh. Trong bài viết, chị Vân bày tỏ, ngoài nỗi lo về bữa ăn giấc ngủ của con, khi nào mọc răng hay biết bò, lại có một nỗi lo mới. Dưới đây là bài viết của chị Vân.
|
Mắt không ngừng nhìn điện thoại là hình ảnh thường thấy ở nhiều nơi. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Jean Twenge, giáo sư ngành Tâm lý học, đại học San Diego State University, thực hiện nghiên cứu từ các khảo sát hàng năm với số liệu thu thập trên 11 triệu thanh thiếu niên. (1)
Bà kết luận rằng, việc dùng điện thoại thông minh đánh dấu sự khác biệt của thế hệ những người sinh từ năm 1995 với các thế hệ trước.
Những người này lớn lên cùng với sự trỗi dậy của thiết bị di động.
Những bạn trẻ này (ở Mỹ) dành trung bình 6 tiếng một ngày trên Internet. Họ ít thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè, gia đình và người xung quanh hơn. Khả năng nhận diện cảm xúc từ người đối diện của họ kém hơn. Hạnh phúc giảm đi. Cô đơn, trầm cảm và lo âu tăng vọt. Khả năng đọc và tập trung tụt dốc.
Khảo sát cho thấy số lượng học sinh cấp 3 của Mỹ đọc sách hàng ngày giảm từ 60 phần trăm năm 1980 còn 16 phần trăm năm 2015. Điểm thi SAT (một bài thi cuối cấp 3 của Mỹ) phần đọc cũng giảm. Các giảng viên đại học thì phàn nàn rằng học sinh không đọc nổi những nội dung khó, sách giáo khoa cũng chẳng thèm sờ vào.
Những người suốt ngày kêu ca Việt Nam không có văn hóa đọc, nghe có thấy quen không ạ?
Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đã chỉ ra, càng dùng mạng xã hội nhiều thì mức độ hài lòng với bản thân, sự an yên tự tại, càng giảm đi. Vì sao?
Vì mạng xã hội vẽ lên một bức tranh không thực tế. Ai trên đó cũng xinh đẹp, giỏi giang, hoặc vui vẻ hơn mức bình thường. Vì người ta chỉ đăng những thứ hay ho, hấp dẫn, những khoảnh khắc gắn mác "đời thường" cũng đều dễ khiến người khác ghen tị. Rất nhiều cha mẹ để con nhỏ dùng điện thoại hay các thiết bị di động mà không hề kiểm soát.
James Bridle, trong bài TedTalk của mình, nêu ra một hiện tượng không có gì mới, nhưng rất nhiều người không nhận thức được.(2)
Youtube, hay giờ cả Facebook, có chức năng tự động gợi ý các video liên quan để giữ người dùng trên trang của họ nhằm tăng lợi nhuận. Các gợi ý này được thực hiện bởi các thuật toán. Chỉ khoảng chục cái vuốt tay, từ video bài hát thiếu nhi ngây thơ hoàn toàn trong sáng, sẽ đến video chuột Mickey đang thủ dâm.
|
Các bố mẹ có bao giờ ngó vào màn hình để biết con mình đang xem gì không? Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vâng, các bố mẹ không đọc nhầm đâu ạ. Hoặc Elsa và Người nhện quan hệ tình dục. Hoặc một nhân vật bệnh hoạn kiểu như gã đầu hói cởi trần mặc bỉm cầm rìu chạy lung tung nói những câu nhảm nhí.
Các video làm cho trẻ con lúc nào cũng hàng triệu lượt xem, và là nguồn thu khổng lồ, mà lại không cần tốn công đầu tư vào nội dung hay chất lượng. Nhất là khi trẻ con dùng di động mà không có sự kiểm soát của người lớn.
Hàng tiếng đồng hồ một đứa trẻ ôm máy tính bảng cũng là những đồng tiền thật chảy vào túi người đăng tải video, dù là video có tính giáo dục hay toàn chửi bậy, chẳng có gì quan trọng.
Các bố mẹ có bao giờ ngó vào màn hình để biết con mình đang xem gì không?
Các bố mẹ bỏ hàng trăm triệu đầu tư cho con đi trại hè nước ngoài, bỏ hàng chục tiếng đồng hồ mỗi tuần chầu chực đưa đón con vượt tắc đường, đi học thêm thầy giỏi, và cho rằng mình chắc hẳn đã làm rất tốt phận sự của cha mẹ, nhưng chẳng mảy may quan tâm khi con mới sáu bảy tuổi, thậm chí nhỏ hơn, ôm điện thoại đến quá nửa đêm, sáng ngủ dậy chưa đánh răng đã mở TV lên xem mải miết?
Dạo gần đây, ngoài nỗi lo về bữa ăn giấc ngủ của con, khi nào mọc răng hay biết bò, mình có một nỗi lo mới.
Mình nghĩ đến cảnh con mình ngồi chơi với các anh chị em họ, hoặc con cái của bạn bè bố mẹ, và những đứa trẻ khác đều dán mắt vào một cái di động, và con sẽ muốn giống như thế, hoặc sẽ buồn vì không có ai chơi cùng.
Lúc đó, mình sẽ muốn nói chuyện với các bạn, mình có chặc lưỡi, thôi con cầm điện thoại của mẹ đi?
Con mình sẽ càu nhàu, tại sao con không được chơi điện thoại giống bạn kia, hay con mình sẽ lủi thủi vì không có bạn nào thèm để ý?
Liệu mình có nên chỉ đưa con đến gặp những bạn bè có cùng quan điểm về chuyện này, để bọn trẻ con được thực sự nhìn vào mắt nhau, chứ không phải tất cả đều cúi gằm mặt xuống, trong khi bố mẹ chúng hàn huyên tâm sự?
Các bố mẹ, mỗi lần đưa điện thoại hay máy tính bảng để con ngồi im cho mình rảnh tay làm việc khác, hãy dừng lại một chút và tự hỏi "Con có thể làm gì khác ngoài cái này?".
Liệu bố mẹ có đang đánh cắp tuổi thơ của con bằng cách dúi cho con những thiết bị di động của mình không? Rồi sau này, khi những vấn đề về tâm lý, khả năng giao tiếp xã hội, về khả năng tư duy ập đến, lại kêu trời?
Nguyễn Hồng Vân
">