Cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị của Trường Đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ) với nhiều lời mời ở lại làm việc,ạcsĩJRaiduhọcMỹvềquêdạydệtthổcẩtin tức về mason greenwood nhưng anh Siu Hrill (SN 1982) vẫn quyết định về lại vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên để thực hiện ấp ủ bảo tồn văn hóa của người Tây Nguyên như: dệt thổ cẩm, tạc tượng nhà mồ…
Từ phụ hồ đến du học Mỹ
Hrill sinh ra tại làng Brel (xã Ia Der, Ia Grai, Gia Lai) trong một gia đình dân tộc J’Rai nghèo. Khác với những người bạn cùng trang lứa ai ai cũng nghỉ học sớm xây dựng gia đình, rồi làm rẫy, Hrill dù gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để cho anh tiếp tục nuôi ước mơ vào giảng đường Đại học nhưng với những ấp ủ xây dựng, bảo tồn, quảng bá những giá trị truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một… Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn mình thì lao vào ôn thi Đại học còn Hrill phải đi làm phụ hồ để lấy tiền đi thi.
Hrill (hàng đầu thứ 2 từ phải qua) ở lớp dạy nhạc cụ |
Trời không phụ lòng người, Hrill đã thi đậu vào ngành quản trị du lịch trường Đại học Đà Lạt. Suốt 4 năm học, Hrill phải một buổi đi học, một buổi đi làm và cố gắng trau dồi tiếng Anh với mong ước một ngày sẽ được đi du học. Với vốn tiếng Anh rất vững chắc, năm 2007, sau khi tốt nghiệp Đại học, Hrill xuống TPHCM xin vào làm một công ty du lịch lữ hành. Với lợi thế là người con của núi rừng Tây Nguyên, Hrill được bố trí hướng dẫn khách trong những tua du lịch lên Gia Lai và tại đây anh có dịp giới thiệu những bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: dệt thổ cẩm, tạc tượng nhà mồ… cho du khách biết, và những vị khách nước ngoài rất hào hứng với văn hóa, truyền thống của người địa phương. Những chuyến đi hướng dân khách này đã giúp Hrill có nhiều kinh nghiệm và có cái nhìn sâu hơn về văn hóa, truyền thống của người J’rai mình.
Và trong thời gian này, Hrill tiếp tục hoàn thiện dự án “Bảo tồn di sản nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc J’rai” bằng tiếng Việt và tiếng Anh của mình. Bài luận của Hrill được gửi đến một tổ chức tại TPHCM và nhanh chóng được chuyển tới trường ĐH Hawaii (Mỹ). Chỉ vài tháng sau, tin vui đã đến với Hrill khi các giáo sư ở trường ĐH Hawaii đồng ý nhận chàng trai J’Rai vào học chương trình đào tạo thạc sĩ tại ngôi trường này.
Năm 2010, Hrill hoàn thành xong chương trình học, anh được một số tổ chức mời ở lại Mỹ làm việc nhưng Hrill đã từ chối và trở lại quê hương để thực hiện dự định phát triển cộng đồng, giữ gìn và khôi phục bản sắc dân tộc mình.
Khôi phục truyền thống dân tộc
Dự định và mong muốn thì vô vàn, nhưng để thực hiện những ấp ủ của mình thì Hrill gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về tiền bạc. Bà con nơi đây không còn thiết tha với những nghề truyền thống và văn hóa của mình, do cuộc sống cơm áo gạo tiền đã chi phối rất nhiều. Sau nhiều tháng tìm cách để khôi phục, bảo tồn truyền thống của người J’Rai anh Rill may mắn được Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) đồng ý dùng Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian tài trợ cho dự án của mình. Ngay lập tức, Hrill bắt tay thực hiện 3 dự án cộng đồng gồm: lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, dạy tạc tượng nhà mồ và nhạc cụ dân tộc….
Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh Rill đã mời và thuyết phục được nghệ nhân dệt thổ cẩm Rơ Lan Pel (làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP Pleiku) đến truyền dạy cho một số học viên tham gia dự án với mục tiêu học viên sẽ dệt thành thạo 8 sản phẩm thổ cẩm gồm: Váy nữ, áo nữ, túi, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, khăn địu em bé, áo nam và khố. Ngoài ra, các học viên còn được giảng dạy về ý nghĩa của 13-15 hoa văn đặc trưng văn hóa của dân tộc J’rai trong suốt 6 tháng theo học. Bà Pel, cho biết: “Các thế hệ con em J’Rai bây giờ không còn biết đến dệt thổ cẩm nữa, cũng không để ý đến các ý nghĩa hoa văn của trang phục truyền thống của người J’rai mình nữa. Nếu không có ai bảo tồn thì mình nghĩ mai mốt sẽ không còn nữa”.
Ngoài khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, những truyền thống đang bị mai một của bà con cũng được Hrill tìm cách khôi phục và gìn giữ. Cảm kích trước những việc làm của Hrill, gia đình bà Kros H’Nhang ở phường Đống Đa (TP Pleiku) đã cho Hrill mượn nhà để làm lớp dạy nghề cho các học viên.
Ngoài việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc và các nghề truyền thống của người J’rai, Hrill còn mở lớp học tiếng Anh cho con em là người dân tộc mình với mong muốn phát triển tương lai của các em. Hiện lớp học tiếng Anh do Hrill giảng dạy đã thu hút được 20 em học sinh trong làng mình tham gia. Các em được dạy học hoàn toàn miễn phí. Với kinh nghiệm của bản thân, Hrill luôn chú trọng vào cách truyền đạt cho các em cách giao tiếp với người nước ngoài, đồng thời truyền đạt cho các em nhiều kiến thức về văn hóa dân tộc mình.
“Nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một, nhưng bây giờ đã có nhiều chị em tìm đến xin học. Các sản phẩn của lớp học, mình luôn tìm cách tiêu thụ, quảng bá và kể cả mang sang các nước bạn chào bán. Và mình mong muốn đây sẽ là thị trường tiêu thụ chính sản phẩm của các chị em trong tương lai. Cách này vừa giúp chị em có thêm thu nhập, và nhất là gìn giữ được nghề dệt truyền thống của dân tộc mình”, Hrill thổ lộ.
Dành rất nhiều thời gian cho công tác bảo tồn văn hóa, truyền thống của dân tộc mình, khi chúng tôi hỏi về thời gian để anh mưu sinh và thu nhập để giúp đỡ kinh tế gia đình của mình? Thì Hrill cười và cho biết, sau khi về nước anh về lại công ty du lịch lữ hành cũ làm việc, anh vẫn tiếp tục hướng dẫn khách du lịch lên quê hương Gia Lai khám phá vùng đất Gia Lai huyền bí, đồng thời giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống mà người dân làm ra.
Trong khi rất nhiều người mơ ước được làm việc tại Mỹ, thì Hrill lại quyết định về lại vùng quê nghèo để giúp bà con mình bảo tồn văn hóa, truyền thống trong khi cuộc sống của bản thân và gia đình còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Hrill vẫn không hề hối tiếc về quyết định của bản thân mình: “Mình sang Mỹ học không phải là để đổi đời, mà chỉ để học hỏi và trau dồi thêm kiến thức để về quê giúp đỡ bà con mình, khôi phục, gìn giữ các truyền thống văn hóa của dân tộc mình đang bị mai một”, Hrilll chia sẻ.
Nói về các kế hoạch sắp tới trong tương lai, Hrill cho biết, anh và một số người bạn của mình đang phát triển các nhóm cộng đồng của người Jrai như cộng đồng tạc tượng nhà mồ, cộng đồng dệt thổ cẩm…. và tiếp đến là bắt tay vào làm cuốn từ điển J’rai- Việt- Anh để bảo tồn văn hóa của người J’Rai.
Theo Thiên Thư/ Dân trí