Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay một nước, một Chính phủ làm được, mà cần sự tham gia của tất cả mọi người, mọi thành phần thì chúng ta mới có tài nguyên số.
Nhận định tài nguyên số còn hơn “mỏ vàng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ đây là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, sẽ thay thế tài nguyên tự nhiên, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên và thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.
Phó Thủ tướng khẳng định, kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Việt Nam đang lựa chọn con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. “Điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể đổi mới, thay đổi một cách cơ bản mô hình phát triển của mình. Từ đó, hướng tới nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, hướng tới phát triển kinh tế xã hội nhanh nhưng phải bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”,Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó có sự chuyển đổi của Chính phủ, với việc phát triển Chính phủ điện tử hướng Chính phủ số. Việc này đặt ra áp lực rất lớn, đó là Chính phủ phải xác định vai trò để chuyển đổi nhanh Chính phủ số, từ đó định hướng và dẫn dắt, là người lái con tàu chuyển đổi số, đưa kinh tế số, xã hội số cùng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi liên tục, các doanh nghiệp cũng vận động liên tục. Các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.
“Chúng tôi cam kết Chính phủ sẽ luôn đồng hành, là một người tiêu dùng lớn, một hộ sẽ sử dụng lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp để giúp cho Chính phủ có thể chuyển đổi số nhanh nhất, có đủ sức mạnh để dẫn dắt cả tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam thông qua các sứ giả chuyển đổi số, qua những sản phẩm chuyển đổi số Make in Viet Nam”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Thúc đẩy hợp tác công tư trong tạo lập và khai thác dữ liệu số
Với Vietnam - Asia DX Summit 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, diễn đàn cần hết sức thẳng thắn, khoa học, cởi mở để đánh giá được những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua và đề xuất những việc Chính phủ cần làm nhanh hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn.
Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm tin tưởng rằng, với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, diễn đàn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực với năm dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số nói chung.
Trong đó, trước nhất diễn đàn giúp nâng cao nhận thức về dữ liệu và chuyển đổi số: Thông qua trao đổi trực tiếp, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, dữ liệu số. Nhận thức quyết định hành động, nhận thức đúng thì hành động sẽ trúng, tất cả cùng nhận thức đúng thì các hành động sẽ đồng hướng, cùng vì một Việt Nam số.
Thứ trưởng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong thể chế mà thực tiễn mình gặp phải, kiến nghị và đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt đối với việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số quốc gia, chuyển đổi số quốc gia. “Chuyển đổi số thì hoàn thiện thể chế là quan trọng và thể chế phải đi trước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, diễn đàn là nơi các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thiết lập phương thức, cơ chế hợp tác trong việc mở và khai thác dữ liệu; giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm ra cơ hội đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số; là nơi các doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm cơ hội để đưa sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số đi ra nước ngoài…
Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia:“Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam”.
“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực công nghệ, kinh nghiệm giải quyết các bài toán của quốc tế. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, làm chủ thiết kế, công nghệ lõi, và đang hợp tác chặt chẽ dần hình thành hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.
Cụ thể, về dữ liệu số, các chỉ tiêu quan trọng gồm: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động…
Một trong những chỉ tiêu quan trọng về chính phủ số là 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa; hơn 30% bộ, ngành, địa phương triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và phục vụ người dân; hơn 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản…
Về kinh tế số, các chỉ tiêu quan trọng sẽ được Ủy ban tập trung đạt được trong năm nay bao gồm: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trên 16%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%; trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số…
Đối với xã hội số, những chỉ tiêu cần đạt là tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trên 20%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%....
Về an toàn, an ninh mạng, mục tiêu đặt ra là đưa tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đạt trên 80%. Cùng với đó, tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trên 30%; 20% thuê bao điện thoại di động thông minh có dùng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản; và 10% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có dùng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản.
Tại Kế hoạch, Thủ tướng cũng phân công chi tiết những nhiệm vụ trọng tâm giao các thành viên Ủy ban quốc gia trực tiếp chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ giao Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT điều phối, đôn đốc thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và kế hoạch Năm dữ liệu số quốc gia; chủ trì, chỉ đạo, các địa phương phối hợp thực hiện phổ cập điện thoại di động thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phát triển hệ sinh thái điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phân tích, xử lý dữ liệu lớn và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ công tác trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, chỉ đạo thúc đẩy triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, vận hành, phát triển Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…
Bên cạnh đó, trong kế hoạch hoạt động năm 2023, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng xác định rõ kế hoạch hành động trọng tâm Năm dữ liệu số quốc gia chi tiết tới từng tháng.
Tuyết Nhung và nhóm PV, BTV" alt=""/>Thủ tướng: Đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất