Cha mẹ luôn mong muốn con phát triển tư duy ngay từ lúc nhỏ. Đọc sách được xem là phương pháp cơ bản giúp não bộ phát triển. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay,ẹđừngbỏconmộtmìnhđơnđộcvớinhữngcuốnsá90 phút bóng đá khi người lớn và trẻ em thích ôm máy tính, điện thoại mọi lúc mọi nơi, để con trẻ chịu cầm quyển sách lên thích thú đọc rất cần sự khuyến khích nhẹ nhàng và tâm lý từ phụ huynh.
Cần sự khuyến khích nhẹ nhàng từ phụ huynh
Đã qua rồi thời ông cha ta xem sách là vật mang đến thông tin muôn màu từ những trang văn, thơ, tâm sinh lý… muốn nâng cao hiểu biết chỉ tìm đến sách. Con em ta hiện nay, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh xem như mọi chuyện năm châu bốn biển đều được quy tụ đầy đủ.
Tôi chứng kiến nhiều phụ huynh muốn con hạn chế sử dụng mạng xã hội với tràn lan thông tin tiêu cực để dành thời gian đọc sách. Những lúc con trẻ chưa chịu hợp tác, họ thường nổi giận quát nạt, đôi khi dùng bạo lực, gò ép con phải ngồi vào bàn đọc. Thế nhưng, kết quả nhận được chỉ là sự ức chế tâm lý, từ đó càng làm các con thêm xa lánh, mang tâm lý sợ sách hơn.
Tôi có một bé trai đang vào lớp 1, cũng biết không thể ép buộc con bỏ hẳn việc tiếp xúc với chiếc điện thoại. Thế nên, mỗi khi muốn con làm quen và chịu cầm quyển sách lên đọc, tôi thường hỏi về sở thích của con để lựa chọn thể loại phù hợp. Ban đầu là những quyển truyện tranh đầy màu sắc kèm những nhân vật đáng yêu, gần gũi trong cuộc sống, và sẽ thay dần thể loại sách theo sự phát triển tâm lý của con.
Tôi hiểu rằng, trẻ em muốn đam mê đọc sách cần sự nhẹ nhàng dẫn dắt của phụ huynh, từ việc kích thích trí tò mò và thời gian cho bé làm quen đồng hành với quyển sách từng ngày, tạo sợi dây kết nối dần hình thành tình yêu, đam mê với sách.
Ngày đầu làm quen với sách, dù con chỉ chịu đọc vài hàng chữ tôi vẫn tôn trọng không ép buộc nhưng yêu cầu con phải dành một khoảng thời gian hàng ngày để đọc sách với phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Một ngày, tôi hạnh phúc vì khi có việc bận hay đi ra ngoài chưa thể cầm quyển sách lên đọc những trang kế tiếp, bé bảo cảm thấy nhớ “bạn sách” của mình.
Đừng bỏ con một mình với những cuốn sách
Cha mẹ đừng để con một mình tìm hiểu kiến thức từ những quyển sách. Hãy luôn bên cạnh làm người bạn đồng hành cùng con, phát âm to rõ, giải thích ý nghĩa những từ mà bé chưa hiểu. Đọc cùng con cũng là phương pháp định hướng trẻ vững chắc hơn trước nhiều kiến thức mới mẻ mà cuốn sách mang tới.
Cha mẹ đừng ép buộc con ngồi vào bàn đọc sách còn mình chăm chăm vào chiếc điện thoại, máy tính… Chúng ta phải là tấm gương đam mê đọc sách để các bé noi theo. Dù bận rộn bao nhiêu thì trước lúc ngủ, hãy cùng con đọc vài trang sách để hình thành thói quen tốt.
Tôi thường nói với con, sách cũng biết buồn, biết đau nên mỗi khi con không thích sách đừng bực tức ném chúng vào góc nhà trong giận dữ. Vì sách cũng như ông bà, cha mẹ dạy con những điều hay, lẽ phải sau những câu chuyện đã đọc. Từ đó, bé xem sách như người bạn, trước lúc ngủ thường vẫy chào “chúc bạn sách ngủ ngon!”.
Và để đánh vào tâm lý thích tò mò, khám phá, náo nhiệt của trẻ, ban đầu giúp con đọc sách, tôi không bắt bé phải ngồi vào bàn với góc tường trong phòng ngột ngạt. Mỗi sáng cuối tuần hay những buổi chiều mát mẻ, tận dụng góc hiên nhà trồng những giàn hoa đầy màu sắc, chim chóc kéo đến sân vườn cùng ánh nắng và gió… tôi rủ con ra góc hiên cùng đọc những câu chuyện về thế giới loài vật, chỉ cho con tận mắt thấy ánh nắng ban mai, hoàng hôn, một chú chim sẻ, bướm vàng, kỳ nhông… Khi ấy, con càng thích thú từ bao câu chuyện hiện hữu trong cuộc sống.
Tôi chỉ mong được cùng con có thêm trải nghiệm mới từ “người bạn sách”. Dù con ngày càng rành mạch từng câu chữ, trang sách, tôi vẫn dành khoảng thời gian trong ngày cùng bé đọc sách. Đó là khoảnh khắc của sự kết nối, gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Để sau này, thông qua những cuốn sách, mẹ con tôi có thể lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp trên hành trình tìm hiểu kiến thức nâng bước vào đời.
Độc giả có thể gửi ý kiến xoay quanh chủ đề "Làm thế nào để con thích đọc sách?" về địa chỉ: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!