Chiều 8/9,ữngbáuvậtnghìnnămcủaThăhôm nay là ngày mấy âm Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long", nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay. Đây là hoạt động dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, khu di sản Hoàng thành Thăng Long là niềm tự hào của người dân Việt Nam bởi nơi đây chứa đựng những giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Đặc biệt, trưng bày hôm nay có vai trò rất quan trọng trong việc diễn giải và trình bày ý nghĩa, sự thiết thực của di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long chỉ còn lưu lại trong sử sách, tất cả dấu tích vật chất đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất. Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung - những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một ngàn năm về trước.
Trưng bày gồm ba không gian: Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng; không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng.
Trưng bày lựa chọn giới thiệu một số loại hình đồ gốm sứ tiêu biểu, đặc sắc trong Hoàng cung Thăng Long. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua… Ngoài ra, nhiều đồ gốm quý còn được dùng làm đồ tự khí trong các tôn miếu hay được dùng làm đồ vật trang hoàng nội thất của các cung điện, lầu gác nhằm điểm tô vẻ đẹp quyền quý, cao sang của chốn cung đình.
Tại trưng bày, một số hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu như: Chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ.
Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu một số loại hình di vật kim loại quý như đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng, vật dụng, thanh gươm cẩn tam khí biểu trưng quyền lực của triều đình hay lệnh bài của triều đình về việc cung nữ xuất cung…
Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002 - 2004 đã tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng cung Thăng Long cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều. Phát hiện quan trọng này minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua 1300 năm, từ thời Đại La (thế kỷ 7 - 9), Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý (thế kỷ 11 - 13), Trần (thế kỷ 13 - 14), Lê (thế kỷ 15 - 18). Từ đây, mọi người biết đến nhiều hơn về Kinh đô Thăng Long và với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khu di tích này đã sớm trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.
Cũng trong chiều 8/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa vào hoạt động không gian check-in, chụp ảnh tại Cổng Đông và Lầu Lục giác, nhằm phát triển thêm các sản phẩm du lịch, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, thu hút du khách tới tham quan và trải nghiệm Hoàng Thành Thăng Long. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm không gian, không khí Hoàng cung với các bối cảnh đậm chất cổ xưa hay những concept của Hà Nội trong thế kỷ 19 - 20.